Ia Grai tích cực xây dựng đời sống văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) chú trọng triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Nhờ vậy, toàn huyện có hơn 70 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu công sở văn hóa; 19.489 gia đình văn hóa; 126 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Ia Grai-cho biết: “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn các xã triển khai thực hiện các tiêu chí: số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), số 8 (thông tin-truyền thông), số 16 (văn hóa) trong bộ tiêu chí về nông thôn mới, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, huyện bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, quan tâm giúp người dân tổ chức sản xuất theo hướng chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và thu nhập... Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 3%. Toàn huyện có 6 xã và 19 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới”.
Cũng theo ông Đông, UBND huyện đã tổ chức phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2024, gắn xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào thi đua ở cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương.
Người dân làng Breng 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: Thanh Nhật
Người dân làng Breng 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: Thanh Nhật
Bà Ksor H’Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: Huyện đã duy trì tổ chức các hoạt động thường niên như: hội thao văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số; giải bóng đá truyền thống; liên hoan nghệ thuật quần chúng; hội thao cán bộ, công nhân viên chức; liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và hát dân ca; hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô...
Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, khơi dậy được nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sự chuyển biến tích cực. Những tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi được đẩy lùi.
“Huyện cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà thi đấu đa năng và sân vận động trung tâm huyện. Tại 13 xã, thị trấn đã xây dựng được 131 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Toàn huyện có 4 nhà rông văn hóa, 67 nhà rông truyền thống tại các làng. Đồng thời, huyện duy trì 15 câu lạc bộ võ thuật, 11 câu lạc bộ dưỡng sinh, 25 đội văn nghệ quần chúng, 85 đội cồng chiêng ở cơ sở”-bà H’Nga thông tin thêm.
Tích cực hưởng ứng phong trào
Những năm qua, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng luôn duy trì phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng lên; tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ học sinh khá, giỏi và tốt nghiệp THPT hàng năm đều tăng...
Thầy Nguyễn Văn Trường-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Chúng tôi xác định lấy việc đổi mới công tác quản lý làm khâu đột phá. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua “2 tốt”, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để mỗi giờ học thật sự là giờ học vui và bổ ích đối với học sinh. Nhà trường còn duy trì cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo”. 
THANH NHẬT -Trao đổi kinh nghiệp xây dựng đời sống văn hoá vùng dân tộc thiểu số DSCN0129
Trao đổi kinh nghiệm xây dựng đời sống văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật
Các đoàn thể cũng đã tích cực triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Ông Nguyễn Diệu-Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện-cho hay: “Công đoàn cơ sở quan tâm xây dựng công sở văn hóa, đồng thời tăng cường phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo động lực để người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, toàn huyện có hơn 70 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.
Một trong những khu dân cư tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa là làng Nú, xã Ia Khai. Các hộ trong làng luôn thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến nay, làng có 71% số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó, tỷ lệ gia đình văn hóa được công nhận 3 năm trở lên đạt 98%. Làng Nú 9 năm liền được huyện công nhận làng văn hóa.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm