Phóng sự - Ký sự

Ia Kreng một ngày tôi đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con đường vào các làng Dút, xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) giờ đã bê tông nhựa phẳng lỳ, quanh co và cheo leo theo những triền núi chồng lên núi. Nhìn từ trên cao, nó như một chú trăn khổng lồ vắt qua dãy Trường Sơn thu nhỏ dẫn đến công trình thủy điện Sê San, một trong những công trình thủy điện lớn trên dòng sông huyền thoại...
Ảnh: Bích Hà
Những năm đầu sau ngày giải phóng, tuy còn trong bộn bề công việc thời hậu chiến, nhưng Gia Lai-Kon Tum đã kịp thành lập nhiều doanh nghiệp chuyên làm lâm nghiệp, nói cho đúng hơn là chuyên làm gỗ. Xí nghiệp do ông Tương làm Giám đốc là một trong những doanh nghiệp như vậy. Dọc theo sông Sê San là loại “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” một thuở. Nhưng để đưa được gỗ từ đấy ra không phải chuyện đơn giản, vì thế một- chiến-dịch làm đường được quyết định. Ông Tương cho mở đường vào rừng làng Díp dài chừng hơn 30 cây số tính từ quốc lộ 14. Con đường lâm nghiệp này mở ra, ngày đêm ùn ùn xe máy tiến vào rừng, chẳng mấy chốc những cánh rừng già bạt ngàn đã trở thành đồi trọc. Rừng tuy mất, nhưng được cái bà con trong 3 làng (Dút 1, Dút 2 và làng Díp) thuộc xã B3 bấy giờ được “nhìn ra thế giới”. Hạt muối, khuôn vải đã đến được tay bà con Jrai nơi đây-nơi một thời là căn cứ địa, là hành lang Bắc Nam của nhiều lực lượng kháng chiến trong chiến tranh chống Mỹ.
Cũng mùa này năm ấy theo chân các cán bộ xã, khó khăn đến không tưởng tượng nổi về con đường “Trường Sơn” mới mở này trên chiếc U-oát cà tàng, sau nhiều giờ, chúng tôi có mặt với bà con. Sự mừng, sự tủi theo nhau trong những câu chuyện bên bếp lửa nhà sàn giữa chủ và khách đến thâu đêm suốt sáng. Đã bao năm sau ngày không còn giặc dã mà vùng căn cứ xưa này vẫn thế, thậm chí có lúc đời sống cả vật chất lẫn tinh thần còn tệ hơn trước đó. Cái ăn có thể dựa vào rẫy, vào rừng, nhưng còn cái mặc, việc ốm đau bệnh tật, học hành… thì dựa vào đâu.
Bí thư Huyện ủy Chư Pah bấy giờ-chú Hoàng Lê-“con người của làng” này cứng cỏi, gan góc trong chiến tranh, trong phong trào cơ sở là vậy nhưng nước mắt cứ ứa ra khi nghe những câu chuyện buồn không dứt từ các già làng. Cuộc sống tuy được cải thiện phần nào kể từ khi có đường ô tô vào đến khu vực bà con ở nhưng trước mắt ông cuộc sống của bà con vẫn còn khốn khó lắm. Nhắc lại chuyện xưa trong chuyến đi cùng ô tô với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Đình Thu (ngày ấy anh là Trưởng phòng Thủy lợi huyện Chư Pah) về lại Ia Kreng lần này, anh kể: Đến đồng tiền đang lưu hành mà hồi đó bà con mình cũng chẳng biết giá trị của nó; phân bón đưa xuống, bảo đến xã nhận, họ nhận xong thì đổ phân đi, chỉ cần lấy lại cái bao tải đem về… dùng. Chuyện đó đâu phải lỗi tại người dân. “Một thuở giao thời giữa trước và sau ngày giải phóng ấy của những người của dân, giờ điểm lại cho ta quá nhiều bài học trong việc phục vụ nhân dân, bài học chưa bao giờ cũ…”-một cán bộ dân vận từng bảo tôi như thế!
Những làng Dút và Díp giờ đã thuộc về xã mới Ia Kreng, tách ra từ B3 (Ia Mơ Nông) hồi đầu năm ngoái. Bí thư Đảng ủy Rơchâm Ker nói xã anh có 33 đảng viên, sinh hoạt trong 5 chi bộ. Lãnh đạo cũng “được lắm”, thành lập mới chỉ một năm, nhưng nhiều công việc đã đi vào nền nếp. Những gì cần làm trước nhờ vào huyện, huyện giúp cho nên cũng ổn. Báo cáo công việc với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu, Bí thư Huyện ủy Chư Pah Rah Lan Chung một lần nữa khẳng định bước đầu Ia Kreng đã ổn định, bà con phấn khởi lo làm ăn. Nhất là từ khi được di dời ra khỏi lòng hồ thủy điện Sê San, được hỗ trợ, đền bù, tái định cư nơi mới, bộ mặt thôn làng thay đổi hẳn. Trụ sở xã, trường lớp học, trạm y tế, đường liên thôn, hệ thống nước tự chảy, điện thắp sáng... đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong năm nay, huyện đã đầu tư vào xã này cả chục tỷ đồng, một khoản tiền không nhỏ. Cái khó nhất hiện nay là thiếu đất sản xuất cho bà con.
Ảnh: Bích Hà
Theo tôi được biết, nguyên nhân của việc thiếu đất là do nhiều vùng canh tác của đồng bào nay đã chìm trong lòng hồ thủy điện; mặt khác số diện tích cũng đã từ lâu đời người dân nơi đây gieo trồng ổn định bên kia bờ Sê San nay chính quyền tỉnh Kon Tum đòi lại, vì đó là đất của họ. Mấy khu vực rừng nghèo thuộc xã đã được tỉnh cho phép khai hoang chuyển đổi thành đất sản xuất nông nghiệp, nhưng khổ nỗi cho đến giờ vẫn còn trong giai đoạn hoàn tất thủ tục mà mùa vụ này đã cận kề. Nói chuyện với lãnh đạo xã, tôi lỡ lời mà rằng, thiếu đất, bà con ta cứ sang bên kia sông mà làm trên đất cũ của mình đã canh tác những năm trước, miễn là đừng phá rừng, xem các vị lãnh đạo huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum sẽ làm gì? Một cán bộ xã đồng tình “như đinh đóng cột”: Chắc là phải làm như vậy, không thể để dân đói!
Giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân xã mới chia tách còn nhiều khó khăn này, các ngành của tỉnh, huyện cũng đã tìm nhiều biện pháp, như hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn cách làm ăn, đầu tư hệ thống nước tự chảy… Cùng với đó, lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Sê San đứng chân trên địa bàn cũng đã quan tâm đến việc động viên, chăm sóc, hỗ trợ những gì có thể cho xã, cho dân, đặc biệt là chăm sóc các gia đình chính sách, người có công…
Nhắc nhở các cán bộ xã về những việc cần tổ chức triển khai thực hiện trong năm tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu lưu ý không được để dân đói, đau, nhất là trong dịp Tết này. Lo đất sản xuất cho dân trong vụ tới, trước mắt tận dụng những diện tích hiện có để gieo trồng. Đồng thời phối hợp các ngành của huyện trong việc lập kế hoạch, đầu tư khai hoang trong vùng đã quy hoạch. Hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình xây dựng cơ bản của xã. Sang năm mới, một năm có thể tiếp tục với nhiều thử thách, khó khăn của chung cả tỉnh, cả huyện và của riêng Ia Kreng, vì vậy nhận thức được những việc phải làm, những khó khăn phải khắc phục vượt qua để trưởng thành là quan trọng. Đội ngũ cán bộ xã phải rèn luyện, học tập, phải đoàn kết, tìm những biện pháp cụ thể để hoàn thành công việc của mình; phải sát dân, động viên dân chăm lo lao động, chấp hành những quy định của pháp luật Nhà nước… “Tuy đã có nhiều tiến bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhưng so với yêu cầu thì còn nhiều điều rất đáng quan tâm, nhất là trình độ cán bộ đảng viên còn hạn chế, người dân chưa năng động, sáng tạo, còn ỷ lại, dựa vào Nhà nước; thời gian tới cần từng bước khắc phục điều đó”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu lo lắng và nhắc nhở thêm.
Chỉ một ngày với Ia Kreng nhưng tôi cảm nhận được sự trăn trở của đội ngũ cán bộ xã này là làm gì để nhanh chóng đưa người dân nơi đây sớm thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Chia sẻ sự trăn trở này, tôi nghĩ những gì quá khó khổ của ngày xưa giờ đã đi vào dĩ vãng. Một Ia Kreng đã, đang chuyển mình đi lên trong sự quan tâm chăm lo đầu tư đúng mức của các cấp, các ngành chức năng, chắc chắn con đường đến đích thoát nghèo không còn xa nữa…
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm