(GLO)- Bằng nhiều cách làm khác nhau như tạo điều kiện để người dân được vay vốn, phân công cán bộ phụ trách giúp đỡ, vận động các hộ tham gia các mô hình..., năm 2019 xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) đã kéo giảm được 9,4% tỷ lệ hộ nghèo.
Với 1 xã đặc biệt khó khăn như Ia Kreng, việc giảm 9,4% hộ nghèo trong năm là việc không hề dễ dàng. Chia sẻ về điều này, ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: xã có 3 làng Dôch 1, Dôch 2 và Díp với 536 hộ dân, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 96,45% và tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2018 còn trên 46%. Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trong xã cao là do diện tích đất sản xuất ít lại cằn cỗi, chủ yếu là đất đồi, dốc. Chưa kể do không có các công trình thủy lợi hỗ trợ sản xuất nên năng suất các loại cây trồng đạt thấp. Phần khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân vẫn còn hạn chế, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước nên chưa phát huy hết khả năng...
Một số hộ dân trong xã có thêm thu nhập từ chuối rừng. Ảnh: P.D |
Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hàng năm, Ia Kreng đều đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm 3-5% số hộ nghèo trở lên. Để làm được điều này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tận dụng mọi diện tích đất đai đưa vào sản xuất và mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, xã phân công cán bộ phụ trách các hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời thành lập tổ tư vấn kỹ thuật xuống tận nhà, tận vườn để hướng dẫn bà con từ cách trồng, chăm sóc, cắt cành, bón phân... Xã cũng vận động, hướng dẫn người dân có diện tích đất sản xuất ở những khu vực nước tự chảy mạnh dạn chuyển sang trồng cây cà phê, cây ăn quả; những hộ ít đất sản xuất chuyển hướng sang chăn nuôi bò. Đến nay, toàn xã có 181 ha lúa rẫy, 185 ha mì, 12,7 ha lúa nước, 302 ha bời lời, 86,91 ha cà phê, 72 ha điều, 13,69 ha cây ăn quả... và đàn gia súc 424 con.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cũng phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để tín chấp tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất với số dư hiện tại là 6,227 tỷ đồng, giải quyết cho 296 hộ vay; thực hiện thường xuyên kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Đặc biệt, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín cũng phát huy tối đa vai trò trong công tác tuyên truyền giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, chịu khó lao động, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ông Rơ Châm Unh-Trưởng thôn Dôch 1-cho biết: “Làng ít đất sản xuất nên mình luôn nhắc bà con tận dụng mọi diện tích có thể để gieo trồng. Mình cũng vận động người dân mạnh dạn tham gia các mô hình nuôi cá, trồng chuối, trồng rừng để tăng thu nhập. Làng có 15 hộ tham gia mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ và 33 hộ dân đang tham gia nhận khoán, bảo vệ 985,5 ha rừng... Nhờ đó năm 2019 làng đã giảm được 7 hộ nghèo”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã, ngoài những giải pháp trên, trong năm xã cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cây-con giống, phân bón giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xã đã hỗ trợ hơn 1.148 kg phân bón NPK và 5 con bò giống cho 5 hộ dân 2 làng: Díp, Dôch 2; cấp 3.000 m ống cho 7 hộ dân của làng Dôch 1; cấp 159 cây sầu riêng và 828 kg phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật cho 3 hộ tham gia mô hình trồng sầu riêng. Ngoài ra, Phòng Dân tộc huyện cũng phối hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi tỉnh cấp 20 con bò và 4.6527 tấn phân NPK cho 20 hộ dân thuộc 3 làng. Là một trong những hộ được nhận hỗ trợ bò giống, ông Rơ Châm Djiêng (làng Díp)-phấn khởi: “Cả nhà mình chỉ trông vào 4 sào đất trồng lúa, trồng điều nên khó khăn lắm. Mình cũng đi làm thuê, làm mướn nữa nhưng bây giờ ít việc, có khi cả tháng chẳng ai gọi đi làm. Được sự quan tâm của địa phương, năm nay nhà mình vừa được hỗ trợ bò giống, vừa được hỗ trợ cả phân bón, mình vui lắm!”.
Ngoài ra, xã cũng khuyến khích 30 hộ dân tiếp tục duy trì có hiệu quả mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ; 10 hộ tham gia mô hình trồng chuối rừng và vận động người dân nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2019 đã có 112 hộ dân thuộc 3 làng tham gia tổ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Ia Ly và nhận khoán bảo vệ 3.549,41 ha rừng. Việc tham gia mô hình nuôi cá và nhận khoán bảo vệ rừng đã từng bước giúp tăng hộ khá, giảm hộ nghèo. “Với những cách làm cụ thể, năm 2019 thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 12 triệu đồng/năm (đạt 100% so với nghị quyết HĐND đề ra và tăng 500.000 đồng so với năm 2018). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo hiện tại còn 36,9% (198/536 hộ), giảm 9,4% so với năm 2018”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng nhấn mạnh.
PHƯƠNG DUNG