Ia Pa: Đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vượt khó của chính người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2018 được xem là năm đột phá trong công tác giảm nghèo của huyện Ia Pa (Gia Lai).
Xã khó khăn đi đầu  
Là một trong những xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất của huyện Ia Pa nhưng năm 2018 xã Ia Kdăm đã vươn lên dẫn đầu toàn huyện về tỷ lệ giảm nghèo. Đầu năm 2018, số hộ nghèo của xã là 378 hộ thì đến cuối năm chỉ còn 258 hộ, giảm 13,9%. Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời triển khai thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ để giúp người dân phát triển kinh tế. Ông Bùi Thanh Định-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kdăm-cho hay: “Khác với những năm trước, năm 2018 xã giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cán bộ phụ trách từng hộ nghèo, rà soát xem họ cần gì thì hỗ trợ để thoát nghèo. Đối với những hộ đăng ký thoát nghèo trong năm, xã cũng tập trung ưu tiên các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng thời vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm”.
 Gia đình anh Ksor Pin (Plei Kdăm 2, xã Ia Kdăm) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.L
Gia đình anh Ksor Pin (Plei Kdăm 2, xã Ia Kdăm) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.L
Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã biết chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, tham gia các mô hình cánh đồng lớn như mía, mì, lúa… Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của các hộ dân tăng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Ông Rô Phin-Trưởng thôn Kdăm 2 (xã Ia Kdăm) phấn khởi tâm sự: “Trước đây dân làng khổ lắm, toàn đi làm thuê. Nhưng bây giờ bà con đã biết mở rộng diện tích trồng mì và trồng mía nên kinh tế dần ổn định, nhiều hộ thoát nghèo, ai cũng phấn khởi. Thôn chúng tôi hiện nay còn phát triển thêm nghề trồng rừng nữa”.
Trước kia, do chỉ dựa vào những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ việc làm thuê nên hộ anh Ksor Pin (Plei Kdăm 2) nghèo vẫn hoàn nghèo. Thế nhưng, từ khi được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ, anh đã biết tăng gia sản xuất, trồng mì để tăng thu nhập. Những năm gần đây mì được mùa, được giá nên hàng năm anh thu lợi nhuận cũng được vài chục triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo trong năm 2018. Anh Pin chia sẻ niềm vui: “Gia đình tôi có đất, trước đây thì bỏ không nhưng mấy năm gần đây tôi trồng mì, rồi chăn nuôi thêm nên mỗi năm tổng thu nhập của gia đình cũng được 60-70 triệu đồng. Năm nay tôi đã dành dụm đủ tiền để cất nhà mới, tôi mừng lắm”.
Quyết tâm giảm nghèo
Ngoài Ia Kdăm, nhiều xã khác trên địa bàn huyện cũng thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến các xã có tỷ lệ giảm nghèo cao như: Ia Ma Rơn (8,12%), Ia Trok (6,75%), Ia Tul (9,45%)... Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để phân công các cấp, các ngành thực hiện giải pháp giảm nghèo theo từng nhóm nguyên nhân. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động…
Năm 2018, toàn huyện Ia Pa có 865 hộ thoát nghèo, giảm 7,12%. Bước đột phá này cũng tạo đà để huyện nhà tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm: “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ia Pa còn 20,73%, trong đó người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85%, đây là tỷ lệ tương đối cao. Do đó năm 2019, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thống kê, rà soát và đăng ký cho các hộ thoát nghèo cũng như xác định nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các mô hình chăn nuôi, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Như Loan

Có thể bạn quan tâm