(GLO)- Trước tình hình học sinh bỏ học theo mùa vụ gia tăng, huyện Ia Pa đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai nhiều giải pháp thiết thực “níu giữ” học sinh ở lại trường.
“Điểm nóng” học sinh bỏ học
Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) mới được khánh thành và đưa vào sử dụng 2 tháng nay tại làng Bi Yông. Trường có 1 dãy phòng học 2 tầng gồm 10 phòng học và 1 dãy nhà hiệu bộ cùng với công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, giếng nước. Các hạng mục khác phục vụ cho việc dạy học đang được ngành chủ quản và chính quyền địa phương lên kế hoạch đầu tư hoàn thiện từng bước.
Một giờ học tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Ảnh: Đ.P |
Sau 3 năm thành lập, hiện trường có 14 lớp, 335 học sinh (trong đó, 10 lớp Tiểu học với 237 học sinh và 4 lớp THCS với 98 học sinh); 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết học sinh trong trường là con em đồng bào Bahnar ở 2 làng Bi Yông và Bi Ya (xã Pờ Tó). Đây là ngôi trường được xếp vào diện “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học.
Sáng 10-4, khi chúng tôi có mặt tại trường, thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện toàn trường có hơn 10 học sinh bỏ học, trong đó, hầu hết là bậc THCS vì các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nghỉ học đi làm thuê, nhổ mì, chặt mía. “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nhổ mì, chặt mía, các em học sinh bậc THCS lại bỏ học đi làm thuê. Có khi, người ta đánh xe công nông đến tận cổng trường để chở các em, cán bộ, giáo viên trong trường phải năn nỉ họ để học sinh được học xong buổi sáng, buổi chiều các em được nghỉ học thì mới đến chở đi làm”-thầy Tấn cho hay.
Cũng theo thầy Tấn, học sinh bậc THCS đi làm thuê thường được trả công 150 ngàn đồng/ngày nên có nhiều phụ huynh chấp nhận cho con em mình nghỉ học dài ngày theo mùa vụ để đi kiếm tiền phụ giúp gia đình, đó là chưa kể trường hợp một số em là lao động chính của gia đình nên buộc phải nghỉ học. Vừa rồi, có 3 học sinh nghe lời rủ rê đã trốn gia đình đi làm thuê tại Hà Nội. Ngay sau khi biết được sự việc, nhà trường phối hợp với gia đình, chính quyền xã Pờ Tó và Công an huyện Ia Pa làm việc với đối tượng môi giới lao động để đưa 3 học sinh là Đinh Tuinh, Đinh Lực, Đinh Nganh trở lại trường lớp sau 10 ngày vắng học.
Hiệu trưởng Lê Công Tấn cho hay, người dân làng Bi Yông và Bi Ya có 1 khu nhà rẫy ở trên núi cách làng chính 3 cây số. Tại đây, họ dựng nhà sàn, nhà xây, tổ chức ăn ở, làm chuồng trại chăn nuôi bò và lao động sản xuất dài ngày như ở dưới làng cũ. Vì thế, đến ngày mùa thì học sinh cũng bỏ học lên khu nhà rẫy dài ngày. “Điều này gây rất nhiều khó khăn cho trường trong việc duy trì sĩ số học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Mặc dù chúng tôi vẫn luôn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp trong công tác duy trì sĩ số nhưng vẫn chưa ngăn chặn dứt điểm được nạn học sinh bỏ học. Vừa rồi, chính tôi cùng với cán bộ xã lên khu nhà rẫy vận động 3 học sinh của trường quay lại lớp học”-thầy Tấn cho biết thêm.
Khu nhà rẫy của 2 làng Bi Yông, Bi Ya (xã Pờ Tó) là nơi học sinh bỏ học dài ngày theo cha mẹ đi làm rẫy. Ảnh: Đ.P |
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Để ngăn chặn tình trạng này, cuối tháng 3-2018, Phòng GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn về việc “Tăng cường duy trì sĩ số học sinh”. Tiếp đó, đầu tháng 4-2018, UBND huyện Ia Pa ban hành Quyết định số 80/QĐ-UBND về việc “Thành lập Ban Chỉ đạo huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn huyện”. Theo đó, phân công lãnh đạo các ngành, Chủ tịch UBND các xã làm thành viên; đồng thời mời lãnh đạo Mặt trận và các hội đoàn thể tham gia vào Ban chỉ đạo.
Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho hay: “Trước đó, tháng 4-2017, Thường trực Huyện ủy đã làm việc với ngành GD-ĐT huyện, có sự tham dự của lãnh đạo các trường học và Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy các xã để tìm giải pháp tháo gỡ tình hình học sinh bỏ học, theo đó thống nhất giải pháp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với ngành GD-ĐT. Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn đã giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động các gia đình ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, hoặc nghỉ học dài ngày”.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh
Đối với ngành GD-ĐT Ia Pa, việc huy động được học sinh đến lớp đã khó nhưng công tác duy trì sĩ số, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần của học sinh lại càng khó hơn. Cũng bởi, đa số học sinh trong huyện là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Trưởng phòng GD-ĐT Ia Pa Phạm Văn Đức, một trong những trở ngại lớn nhất của học sinh dân tộc thiểu số là còn hạn chế về giao tiếp tiếng Việt, khả năng đọc, viết tiếng Việt của học sinh Tiểu học rất kém. Chính vì thế, giải pháp được Phòng GD-ĐT Ia Pa triển khai quyết liệt là tăng cường tiếng Việt cho học sinh Tiểu học. “Các trường học phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là những trường có điều kiện thì tổ chức học 2 buổi/ngày để có thời gian tổ chức dạy tăng cường Toán và Tiếng Việt cho học sinh; còn những nơi khó khăn hơn thì giảm thời lượng các môn học khác để có thời gian tăng cường môn Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”-ông Đức nói.
Trường Tiểu học Kpă Klơng ở xã đặc biệt khó khăn Ia Kdăm có 15 lớp với 408 học sinh thì chỉ có 1 học sinh người Kinh, còn lại là con em đồng bào Jrai. Do đó, nhà trường đã bỏ hết 4 lớp ở điểm trường làng để đưa về trường chính, gom các lớp lại, tổ chức dạy 2 buổi/ngày. “Buổi sáng dạy 4 tiết theo chương trình khung của Bộ GĐ-ĐT, buổi chiều chúng tôi tăng cường thêm 3 tiết Tiếng Việt để giúp các em đọc, viết và giao tiếp bằng tiếng Việt được thông thạo”-thầy Rmah Kuan-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng cho hay.
Năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT Ia Pa có 33 đơn vị trường học với tổng số 11.727 học sinh; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 73,3%. Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT, đến cuối học kỳ I vừa qua, toàn huyện có 46 học sinh bỏ học. Đặc biệt, tình trạng học sinh vắng học dài ngày và vắng học theo mùa vụ có chiều hướng gia tăng. “Đến ngày 10-4, tổng số học sinh bỏ học đã lên đến 105 em. Nguyên nhân chủ yếu là học sinh theo bố mẹ đi làm rẫy ở xa, học yếu, đi làm thuê để kiếm tiền giúp gia đình, do hoàn cảnh khó khăn…”-ông Phạm Văn Đức-Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho hay. |
Cùng với việc chỉ đạo tăng thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh, Phòng GD-ĐT huyện cũng chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức khảo sát chất lượng 2 môn Toán và Tiếng Việt của học sinh, trong khoảng thời gian giữa và cuối học kỳ sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại để từ đó đề ra các biện pháp bồi dưỡng, kèm cặp cho các em. “Các giáo viên cũng phải đăng ký thi đua về tiêu chí đọc thông viết thạo của học sinh lớp mình, coi đây là một trong những căn cứ để xét thi đua cuối năm, qua đó nâng cao trách nhiệm của các thầy-cô giáo trong giảng dạy”-cô Nguyễn Thị Ngần-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ia Trok cho biết.
Hy vọng, việc triển khai các giải pháp đồng bộ, huy động tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với ngành GĐ-ĐT huyện sẽ đem đến những tín hiệu đáng mừng giúp huyện Ia Pa ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học trong năm học này và các năm tiếp theo.
Đức Phương