Ia Piar thay đổi tập quán nuôi nhốt gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã Ia Piar (huyện Phú Thiện), hơn trăm hộ dân đã di dời chuồng trại nhốt gia súc ra xa gầm nhà sàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng-chống dịch bệnh.

Xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) có 13/14 thôn tập trung đông đồng bào Jrai sinh sống. Từ xưa đến nay, đồng bào Jrai ở đây có tập quán làm nhà sàn có gầm cao trên 2 m để tránh mưa lũ. Không gian dưới gầm nhà sàn thường được sử dụng để cất các dụng cụ, phương tiện sản xuất và làm chuồng nuôi nhốt gia súc. Thế nhưng, việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn đã gây mùi hôi thối, mất vệ sinh và dễ gây ra dịch bệnh ảnh hưởng sức khỏe. “Mặc dù trước đây xã tổ chức tuyên truyền vận động nhiều lần nhưng vì cuộc sống khó khăn nên chỉ một số ít hộ dân xây dựng được chuồng trại để di dời heo bò ra khỏi gầm nhà sàn”-ông Siu Thiên-Chủ tịch UBND xã Ia Piar, nói.

 

Cán bộ xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) kiểm tra chuồng bò mới được di dời của gia đình ông Nay Eo ở thôn Rbai B. Ảnh: Đ.P
Cán bộ xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) kiểm tra chuồng bò mới được di dời của gia đình ông Nay Eo ở thôn Rbai B. Ảnh: Đ.P

Đầu năm 2017, Đảng ủy xã Ia Piar đã có Nghị quyết chuyên đề “Vận động nhân dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, cách xa nơi người ở”. Ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar cho hay, Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã là hiện thực hóa một phần nội dung về Nghị quyết chuyên đề “Năm hành động 2017” của Ban Thường vụ Huyện ủy, nhằm tiến tới đạt tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. “Biết nhiều hộ dân có nhu cầu di dời chuồng trại nhưng không có tiền, Đảng ủy đã chỉ đạo chính quyền, các hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn ưu đãi kênh nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng chuồng nhốt gia súc”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar cho biết.

Sau khi xã có chủ trương, Thường trực Đảng ủy đã xuống làm việc với các thôn, tổ chức họp dân để vận động bà con, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng để cùng triển khai thực hiện. Nhà ông Nay Khuôn-Trưởng thôn Rbai B là một trong 9 hộ đầu tiên của thôn di dời chuồng nhốt gia súc (6 con bò) ra khỏi gầm nhà sàn. “Mình là đảng viên, lại là Trưởng thôn thì phải gương mẫu làm trước để bà con thấy mà làm theo. Để làm chuồng bò ra góc vườn, mình đã có sẵn cây gỗ, rồi chỉ phải bỏ ra 10 triệu đồng mua tôn lợp mái và láng nền xi măng để bò được sạch sẽ, không giẫm chân trong phân, đất, phòng bệnh lở mồm long móng”- ông Khuôn cho hay.

Cũng theo tập quán cũ, ông Nay Eo (thôn Rbai B) thường nuôi nhốt 20 con bò dưới gầm nhà sàn để tiện bảo vệ. Bất cứ ngày mưa hay nắng, mùi hôi thối đều bay khắp nhà, ám cả vào quần áo, chăn mền. “Ở riết rồi cũng quen. Chỉ có điều người nhà, nhất là trẻ nhỏ hay bị đau ốm. Từ tháng 7-2017, nghe theo lời cán bộ xã, thôn vận động, mình chuyển chuồng bò ra góc vườn, nhờ đó môi trường vệ sinh sạch sẽ hơn. Người ít bị đau ốm lặt vặt mà đàn bò ra ở riêng vẫn khỏe mạnh như thường”-ông Nay Eo phấn khởi nói.

Tính đến giữa tháng 10-2017, toàn xã Ia Piar đã có 108 hộ thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, cách xa khu vực người ở. “Chúng tôi đang linh động các nguồn quỹ để khen thưởng cho các thôn có số hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn nhiều nhất. Đồng thời làm việc với ngân hàng, các tổ tiết kiệm-vay vốn để có hướng hỗ trợ cho người dân vay tiền lãi suất ưu đãi làm chuồng trại nhốt gia súc”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar, ông Phạm Văn Phương cho biết thêm.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm