Kbang: Cả hệ thống chính trị cùng giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cấp ủy, chính quyền huyện Kbang đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, làng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Với cách làm này, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Giữ rừng không quản lễ, Tết
Giáp Tết Nguyên đán vừa qua, gặp chúng tôi khi đang thực hiện các thủ tục kiểm tra phương tiện lưu thông qua trạm cửa rừng Dốc Khảo Sát (thuộc địa bàn xã Đak Smar, giáp thị trấn Kbang), anh Vũ Trung Thực-kiểm lâm viên phụ trách trạm-nói: “Anh thấy đấy, giờ này thay vì cùng gia đình họp mặt ăn bữa cơm cuối năm thì chúng tôi phải luân phiên trực 24/24 giờ. Nhiệm vụ ngày lễ, Tết cũng như ngày thường”.
Anh Thực cho biết thêm: Trạm chỉ biên chế 3 kiểm lâm viên nhưng theo yêu cầu công việc, anh em phải thay phiên nhau trực, mỗi ca tối thiểu 2 người. “Mỗi ngày, chúng tôi phải làm việc kéo dài trên 16 giờ. Bất kể mưa hay nắng, chúng tôi vẫn phải leo lên thùng xe kiểm tra kỹ càng, không để các đối tượng lợi dụng vận chuyển lâm sản trái phép. Tham gia trực trong mỗi dịp Tết, đôi lúc tôi thèm có được không khí quây quần ấm áp bên gia đình nhưng riết thành quen. Đã làm nghề đặc thù thì phải tập trung làm tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao”-anh Thực trải lòng.
 Lực lượng Kiểm lâm huyện Kbang tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Lực lượng Kiểm lâm huyện Kbang tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Đi tiếp vào xã Krong, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Dũng-kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã-khi ông đang tranh thủ ăn vội bữa cơm đạm bạc, chuẩn bị cột võng nghỉ dưỡng sức để sau đó cùng đồng nghiệp tuần tra rừng. Mặc dù chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu nhưng ông Dũng vẫn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. “Bén duyên” với nghề giữ rừng được hơn 30 năm, ông Dũng gần như thông thuộc mọi đường đi, lối lại trong cánh rừng phụ trách bảo vệ. Ông cho biết, xã Krong là điểm nóng về tình trạng khai thác gỗ hương trái phép nên trong dịp Tết, ông cùng 1 đồng nghiệp phải thay phiên nhau trực bảo vệ 24/24 giờ. Riêng từ ngày 30 đến mùng 2 Tết, cả 2 cùng trực để tránh việc lâm tặc lợi dụng khai thác gỗ. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm địa bàn còn tham gia tổ liên ngành của xã tuần tra nắm bắt tình hình, quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực nhạy cảm.
Ông Trương Thanh Hà-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang-cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét lâm tặc trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đồng thời quán triệt, chỉ đạo các chốt, trạm tổ chức trực 24/24 giờ. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện tập trung lực lượng truy quét lâm tặc ở các điểm nóng; chốt chặn các tuyến đường mà lâm tặc thường lợi dụng vận chuyển lâm sản; kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường ra vào rừng và các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn nhằm tránh tình trạng trà trộn gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Ngoài ra, Hạt còn phối hợp với Công an, Ban Chỉ huy Quân sự huyện tăng cường tuần tra kiểm soát địa bàn để giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ rừng. “Chúng tôi đã bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo 75% quân số trực bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết. Hạt Kiểm lâm huyện cũng chủ động phối hợp với tổ liên ngành bảo vệ rừng ở các xã thường xuyên kiểm tra các chốt chặn, trạm kiểm lâm cửa rừng và tình hình trực của các đơn vị chủ rừng nhằm duy trì và đảm bảo quân số trực tốt nhất”-ông Hà thông tin thêm.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Không chỉ trong dịp Tết, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến các thôn, làng cùng tham gia. Đầu tiên là việc thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng (tháng 4-2016) với lực lượng chủ chốt là các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và các ban, ngành liên quan để chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra tình hình. Ban Chỉ đạo phân công thành viên kiểm tra, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ trong ngày nghỉ, ngày lễ, Tết; rà soát, đề nghị điều chỉnh vị trí đặt các trạm kiểm lâm cửa rừng phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường lực lượng Công an tham gia chốt chặn tại các điểm này.
Ban Chỉ đạo cũng phân công Hội Cựu chiến binh tham gia giám sát tại 5 trạm kiểm lâm cửa rừng; Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức tuần tra, trinh sát địa bàn; Công an huyện lập danh sách các nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép để theo dõi, gọi hỏi, răn đe, đấu tranh làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu 14 xã, thị trấn trên địa bàn củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương; thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy xã, thị trấn với các công ty lâm nghiệp; lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Kbang còn chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc phát động phong trào “Đảng viên tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống lâm tặc” nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đảng viên trong lĩnh vực này. Nhờ đó, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn đã được kiềm chế. Đáng chú ý là trong năm 2018, số vụ vi phạm, quy mô và diễn biến các vụ việc giảm và ít phức tạp so với năm 2017. Cụ thể, năm qua, các cơ quan chức năng phát hiện 129 vụ (giảm 63 vụ), trong đó tình trạng phá rừng giảm đáng kể (xảy ra 5 vụ, giảm 14 vụ so với năm 2017).
Theo ông Huỳnh Trọng Khánh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang, mới đây, khi làm việc với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, Bí thư Huyện ủy Trương Văn Đạt đã yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đặc biệt, Đảng ủy Công an huyện có kế hoạch đấu tranh bóc gỡ các nhóm đầu nậu gỗ; Đảng ủy Ban Chỉ huy Quân sự huyện chủ động xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng ở các địa bàn trọng điểm; nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các thôn, làng ở các địa bàn phức tạp như: Lơ Ku, Sơ Pai, Krong, Sơn Lang, Đak Rong… trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Với phương châm “Bám rừng, bám dân, bám già làng, trưởng thôn và những người có uy tín trong nhân dân” nhằm tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng tận gốc; xây dựng mạng lưới “tai mắt” trong nhân dân, đồng thời triển khai có hiệu quả cơ chế mua tin; tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc 24/24 giờ tại các trạm kiểm soát lâm sản và các trạm cửa rừng… công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống lâm tặc ở huyện Kbang đã chuyển biến rõ rệt. Qua đó, từng bước tạo được sự ủng hộ và niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên địa bàn huyện.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm