Điểm đến Gia Lai

Kbang cần quan tâm giải quyết những vướng mắc ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang vào sáng 19-7 về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; thủ trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.

100% chi bộ thôn, tổ dân phố có chi ủy

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng thông tin: Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thu ngân sách của huyện đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt hơn 483,7 tỷ đồng, vượt 14,8% so với dự toán, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, các dự án, chương trình được triển khai ngay từ đầu năm. Các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được quan tâm thực hiện.

Về công tác xây dựng Đảng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ cho hay: Đảng bộ huyện có 53 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với tổng số 3.812 đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) gắn với sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình trọng tâm và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2023. Qua đánh giá, 18/20 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt Nghị quyết; 2 chỉ tiêu khó đạt là số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính của huyện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. Cán bộ được điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 55 đảng viên, đạt 60,9% kế hoạch. Hiện 110/110 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy, tăng 1 chi bộ có chi ủy so với cùng kỳ năm trước; 110/110 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, trong đó có 86 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đạt 78,18%.

Thực hiện Chương trình số 59-CTr/TU ngày 7-4-2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức nghiên cứu học tập, phổ biến, quán triệt trong hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương từ huyện đến cơ sở tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Chương trình số 56-CTr/TU ngày 6-3-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Theo đó, huyện chú trọng kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ; chỉ đạo xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm. Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 10 tổ chức Đảng, 23 đảng viên (tăng 3 tổ chức Đảng và 12 đảng viên so với cùng kỳ năm 2022); giám sát chuyên đề đối với 4 tổ chức Đảng gắn với giám sát 10 đảng viên (tăng 3 tổ chức Đảng, 7 đảng viên so với cùng kỳ năm ngoái). Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ sở đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát đạt một số kết quả.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác phụ trách, hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo theo phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy. Tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW ngày 7-1-2017 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028), Đại hội Công đoàn huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) đảm bảo kế hoạch, yêu cầu đề ra.

Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết

Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tuyến nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2023; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.

Bên cạnh đó, chỉ đạo tập trung thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, đối thoại với dân, giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên gắn với thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của hệ thống chính trị thôn, làng, tổ dân phố và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện.

Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Liên quan quy hoạch xây dựng huyện Kbang đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ cho rằng: Huyện đã có tờ trình gửi Sở Xây dựng và được Hội đồng thẩm định tỉnh thẩm định. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, tuy nhiên đến nay, đồ án vẫn chưa được phê duyệt.

Đối với phát triển du lịch, một số nhà đầu tư quan tâm khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng tại các điểm như: thác Kon Bông, thác 50, thác Hang Dơi... và có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xin đề xuất thực hiện dự án. Tuy nhiên, những thác nước này đều thuộc quy hoạch đất rừng nên không thể thực hiện được. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn cụ thể các thủ tục pháp lý để các dự án sớm triển khai, tránh lãng phí tiềm năng, lợi thế của huyện.

Sau khi nghe đại diện các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành tham gia ý kiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn ghi nhận những kết quả mà huyện Kbang đã đạt được trong thời gian qua.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị huyện cũng như các ngành chức năng cần làm rõ những đặc thù của địa phương để đề xuất ưu tiên trong cơ chế, chính sách. Đồng thời, huyện cần rà soát, đánh giá, xây dựng các phương án, đề án phát triển kinh tế-xã hội bằng cách tìm các giải pháp lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với các sở, ngành kêu gọi các dự án đầu tư trên địa bàn về nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc thù của huyện; chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, tăng tốc độ giải ngân đúng kế hoạch đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (hàng trước, thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Kanak, thị trấn Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (hàng trước, thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Kanak, thị trấn Kbang. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu huyện tăng cường quản lý, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo, phân công cán bộ các cơ quan nắm vấn đề thực tế nhanh nhất, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phân công nhiệm vụ, đơn vị phụ trách. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở, nâng cao vai trò của người đứng đầu ở xã, thôn.

“Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Cùng với đó, quan tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc ở cơ sở, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo được những bước chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm