(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, thời gian qua, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.
Quan tâm đào tạo từ cơ sở
Chị Nông Thị Nhờ-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơ Pai-cho hay: Trước khi về làm việc tại xã, chị học trung cấp ngành Quản trị văn phòng. Năm 2021, chị được Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện tham gia học đại học Luật từ xa. Dự kiến đến cuối năm 2023, chị sẽ hoàn thành khóa học. Được cử đi học và hỗ trợ 100% tiền học phí là điều chị chưa từng nghĩ tới, nhất là đối với cán bộ xã ở vùng sâu, vùng xa vì chi phí học tập khá tốn kém. “Việc học tập nâng cao trình độ giúp tôi tự tin hơn trong công tác. Tôi cũng vận dụng được kiến thức đã học để tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho người dân. Ngoài tôi, UBND xã còn hỗ trợ thêm 4 trường hợp khác theo học các lớp đại học từ xa”-chị Nhờ chia sẻ.
Là một trong những cán bộ được cử đi học nâng cao trình độ, ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho hay: Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và Đảng ủy, UBND xã, ông có điều kiện tham gia các lớp thạc sĩ luật, cao cấp lý luận chính trị, từ đó có điều kiện nâng cao trình độ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. “Khi được trang bị các kiến thức cần thiết, tôi dễ dàng vận dụng và đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tôi đã cùng với các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, thành viên UBND xã chỉ đạo, điều hành phát triển đúng định hướng, phát huy các thế mạnh của địa phương để giúp người dân từng bước phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững”-ông Quang khẳng định.
Ông Đinh Hluốc (bìa phải) nhận bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực III. Ảnh: Minh Nguyễn |
Mới nhận bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị (hệ tập trung, khóa học 2021-2022) của Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng), ông Đinh Hluốc-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông-phấn khởi cho hay: Từ năm 2003, khi còn là Bí thư Chi Đoàn làng Tờ Mật, ông được tạo điều kiện học sơ cấp lý luận chính trị rồi lần lượt theo học trung cấp lý luận chính trị và trung cấp luật. Ngoài ra, ông còn được cử tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh, bồi dưỡng các chức danh… “Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Từ một cán bộ thôn, tôi đã được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-ông Hluốc nhấn mạnh.
Chú trọng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ
Theo ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết định, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở theo từng giai đoạn; tổ chức quy hoạch, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ trí thức một cách chủ động, phù hợp điều kiện thực tiễn. Từ năm 2008 đến nay, huyện phối hợp với các trường đại học, trung tâm đào tạo mở 24 lớp bổ túc văn hóa THPT cho 682 học viên là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách và đồng bào dân tộc thiểu số; liên kết mở 4 lớp trung cấp và đại học luật cho 227 học viên; cử 85 cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, huyện cũng mở 275 lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên với 15.386 lượt người tham gia; mở các lớp tin học, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tiếng Bahnar với gần 900 người tham gia; cử 231 người tham gia 50 lớp bồi dưỡng chức danh và 886 người tham gia 66 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, huyện còn cử cán bộ, công chức, viên chức học các lớp quản lý nhà nước, cao cấp lý luận chính trị, sơ cấp và trung cấp lý luận chính trị-hành chính.
Trao đổi với P.V, ông Thiều Văn Phương-Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy-cho biết: Thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc tổ chức triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức cơ sở Đảng căn cứ tình hình thực tiễn để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cũng theo Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kbang, một trong những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 là tiếp tục cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm như: phát triển nông nghiệp, nông thôn; giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức, đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm.
MINH NGUYỄN