Kbang: Ngày mới ở làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu năm 2010, 152 hộ dân ở 3 làng: Krối, Kbang, Chợch (xã Lơ Ku, huyện Kbang, Gia Lai) trong vùng ngập của lòng hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak được di dời đến nơi ở mới. Hơn 8 năm sau, cuộc sống của người dân các làng tái định cư này đã có nhiều khởi sắc.

An cư lạc nghiệp

Dù được Thủy điện An Khê-Ka Nak hỗ trợ điện, đường, trường học, nhà ở, giếng nước sinh hoạt nhưng khó khăn lớn nhất của bà con 3 làng tái định cư trong những ngày đầu là thiếu đất sản xuất. Trước tình hình này, cán bộ của 3 làng đã tích cực đi đầu khai hoang lấy đất trồng mì, bắp lai, đậu xanh... Khi cây bắp lai, mì, đậu xanh cho thu hoạch với sản lượng đạt cao, dân làng mới tin tưởng và đua nhau làm theo. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương thông qua các chính sách hỗ trợ định cư, cuộc sống của bà con nơi đây đã nhanh chóng ổn định.

 

Một góc làng Krối. Ảnh. Đ.Y
Một góc làng Krối. Ảnh. Đ.Y

Ông Đinh Vá-Trưởng thôn Krối, phấn khởi cho biết: “Nhớ lại những ngày đầu về nơi ở mới, bà con gặp rất nhiều khó khăn, tư tưởng không ổn định, thiếu ăn vào thời điểm giáp hạt. Nhưng 3 năm sau, tình hình đã đổi khác, đời sống được nâng lên, bây giờ không còn hộ đói nữa”. Cùng chung niềm vui, ông Đinh Siê-Trưởng thôn Chợch, cho hay: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng đạt năng suất, sản lượng cao hơn so với trước đây, thu nhập của người dân cũng được cải thiện”.

“Đặc biệt là 3 năm qua, người dân 3 làng đã tích cực tham gia mô hình cánh đồng mía lớn với tổng diện tích hơn 80 ha. Khi tham gia mô hình này, nhiều khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nên người dân tiết kiệm chi phí trên 10 triệu đồng/ha/vụ và được nhà máy bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bã bùn, đầu tư không tính lãi”-ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, cho biết.

Niên vụ 2017-2018, gần 200 hộ dân ở 3 làng đều tham gia mô hình cánh đồng mía lớn, năng suất bình quân đạt 115 tấn/ha, lợi nhuận đạt 40 triệu đồng/ha. “Mô hình cánh đồng mía lớn đã góp phần giúp các hộ đồng bào Bahnar ở 3 làng từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu”-ông Dương khẳng định.

Vươn lên làm giàu

Về thăm lại 3 làng tái định cư, hình ảnh những ngôi nhà mới, đường làng ngõ xóm phong quang, vườn mì, ruộng mía xanh tốt đem lại cảm giác thật phấn khởi. Nhiều hộ dân nơi đây đã có đời sống kinh tế khá giả. Một trong số đó là ông Đinh Bới-Bí thư chi bộ làng Krối, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất của 3 làng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ và Xây dựng Lơ Ku. Từ khi về nơi ở mới, ông Bới cùng vợ con tích cực khai hoang đất để trồng mía và các loại cây ngắn ngày. Vụ mía vừa rồi, gia đình ông thu được gần 70 triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Đinh A Chi (làng Krối) cũng đã thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá nhờ tham gia mô hình cánh đồng mía lớn, trồng thêm mì, bắp. Ông Chi cho biết: “Nhà mình trồng 7 sào mía, niên vụ 2017-2018 thu được 70 tấn, trừ hết chi phí còn lãi 35 triệu đồng. Năm đầu tiên thu hoạch mía được nhiều tiền như thế, gia đình mình rất vui và có thêm động lực để lao động, sản xuất”.

Để giúp bà con vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng đất mới, chính quyền xã Lơ Ku đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, cuối năm 2017, xã đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ và Xây dựng Lơ Ku nhằm giúp các thành viên, hộ dân ở 3 làng trồng mía theo hướng chuyên canh, bền vững. “Từ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng sự nỗ lực, vượt khó của người dân, cuộc sống của bà con ở 3 làng đã có sự đổi thay rõ nét. Giờ đây, hệ thống đường bê tông trải khắp các làng, 100% số hộ được sử dụng điện, nước sạch, con cái đến tuổi được ra lớp… Đây chính là đòn bẩy quan trọng góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương”-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku cho biết thêm.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm