Kbang nỗ lực xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành của huyện Kbang tập trung đẩy mạnh. Hàng loạt chính sách về giảm nghèo của Trung ương lẫn địa phương được triển khai đồng bộ, kịp thời đã giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Số liệu thống kê từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang cho thấy từ năm 2010 đến 2014, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể với 3.546 hộ, tỷ lệ giảm 22,36% (tức bình quân mỗi năm giảm 5,17%).

Cụ thể: năm 2010, toàn huyện có 7.622 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 51,86%), trong đó một số xã vùng sâu, vùng xa, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất cao như: Kon Pne 93,93%, Đak Rong 90,20%, Krong 83,26%; thì đến năm 2014 số hộ nghèo của huyện giảm còn 4.706 hộ (chiếm tỷ lệ 29,50%), trong đó, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số có 4.131 hộ (chiếm 87,78%), còn lại là người Kinh với 575 hộ (chiếm 12,22%).
 

Các cấp, ngành huyện Kbang luôn chú trọng quan tâm đến hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hồng Thi
Các cấp, ngành huyện Kbang luôn chú trọng quan tâm đến hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hồng Thi

Đẩy mạnh các giải pháp

Xuyên suốt những năm qua, các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã được huyện Kbang triển khai đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang, trên cơ sở Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ VII, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 cũng như các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả; đồng thời xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.

Căn cứ vào số liệu điều tra từng năm trước, huyện Kbang đã đề nghị các xã, thị trấn phân công cán bộ địa phương phụ trách từng làng, nhóm hộ để nắm tâm tư, nguyện vọng của người nghèo và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ; phối hợp với các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nghèo có tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo. Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo ở cơ sở không ngừng được kiện toàn; cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo có đủ trình độ, năng lực, nhiệt tình công tác; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Thời gian qua, huyện đã thực hiện tương đối tốt chính sách an sinh xã hội, tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho những hộ nghèo gặp rủi ro, thiên tai; trợ cấp thường xuyên cho hộ nghèo đơn thân nuôi con đang đi học. Đối với các hộ nghèo thiếu sức lao động, đã phối hợp giúp đỡ ngày công trong sản xuất và thu hoạch kịp thời; riêng các hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất, được huyện ưu tiên cấp bò sinh sản để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập.

Cùng với đó, huyện đã tập trung hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và thực hiện tốt việc khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng loại đất canh tác và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất (mô hình trình diễn) nhằm giúp hộ nghèo ứng dụng vào thực tế có hiệu quả.

Ngoài ra, huyện còn chú trọng ưu tiên đào tạo nghề cho hộ nghèo có lao động. Thông qua các đơn vị đào tạo nghề có năng lực và kinh nghiệm như: Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên huyện, Trường Trung cấp Nghề An Khê, Trường Cao đẳng Nghề Nông-Lâm Nam Trung bộ (Bình Định) và các cơ quan có liên quan…, từ năm 2011 nay, huyện đã tiến hành đào tạo nghề cho 3.206 lao động (bình quân mỗi năm đào tạo thêm 641 lao động), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo/tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế từ 16,5% lên 25,5%.

“Các ngành, nghề đào tạo sát với đời sống sản xuất của người dân nhằm đảm bảo sau khi học nghề xong, người lao động có thể tự vận dụng kiến thức, kỹ thuật được đào tạo vào thực tiễn sản xuất của gia đình để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Sơn cho hay.

Các chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất-kinh doanh của hộ nghèo. Đến nay tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng đứng chân trên địa bàn huyện đạt 1.020 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay theo Nghị định 41/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 26%.

Còn đó những khó khăn

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định song công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện Kbang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn còn cao; số hộ cận nghèo tăng lên qua các năm. Ông Sơn lý giải, đa phần hộ nghèo của huyện đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu vốn, đất sản xuất và phương tiện canh tác hoặc thiếu lao động, không có việc làm lại đông người ăn theo. Ngoài ra, còn có một bộ phận do chây lười lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước (theo kết quả điều tra năm 2014, cả huyện có 47 hộ nghèo nằm trong diện này).
 

Phối hợp với các chương trình liên quan để giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Thi
Phối hợp với các chương trình liên quan để giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Thi

Hơn nữa, một số xã trên địa bàn có vị trí cách xa trung tâm huyện. Do đó, trình độ nhận thức của người nghèo nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn khá lạc hậu, nặng tính tập thể; điều kiện kinh tế, trình độ canh tác còn yếu kém. Nhiều hộ còn tư tưởng cam chịu cuộc sống, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, nhất là ở những người lớn tuổi.

“Các yếu tố như dịch bệnh, thiên tai, mất mùa… cũng dễ dàng khiến các hộ vừa thoát nghèo có thể tái nghèo trở lại, bởi lẽ thu nhập chính của người dân đều dựa vào sản xuất nông nghiệp; hoặc nếu lao động chính trong gia đình có nhiều người ăn theo không may đổ bệnh hoặc qua đời, chuyện tái nghèo cũng sẽ xảy ra tương tự. Ở huyện Kbang, tỷ lệ tái nghèo hàng năm trung bình khoảng 22 hộ”-ông Sơn nói thêm.

Một số tồn tại, hạn chế cũng được đưa ra tại các cuộc họp của huyện như: Nguồn lực đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo hàng năm không nhiều, trong khi nhu cầu của người nghèo lại rất lớn; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã có tỷ lệ nghèo cao gặp nhiều khó khăn; thiếu chính sách khuyến khích hợp lý về dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nhận thức về trách nhiệm đối với công tác xóa đói giảm nghèo ở một số xã chuyển đổi còn chậm, việc nắm bắt đối tượng nghèo chưa được thường xuyên, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện xóa đói giảm nghèo đôi khi chưa chặt chẽ; một số địa phương chưa huy động được nội lực cho xóa đói giảm nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sự phân hóa giàu nghèo gia tăng, thể hiện ở sự chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông thôn và thị trấn, giữa các tầng lớp dân cư…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm