Kbang phát huy vai trò tổ hòa giải cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hòa giải ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân, không để phát sinh thành những điểm nóng, hạn chế đơn thư, khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

Huyện Kbang hiện có 167 tổ hòa giải ở tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với hơn 1.000 hòa giải viên. Thời gian qua, các tổ hòa giải đã thực hiện khá tốt việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các tổ đã hòa giải thành 29 vụ việc trong tổng số 54 vụ tiếp nhận. Kết quả này không chỉ xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần giữ gìn an ninh ninh trật tự ở địa phương.

 

Tổ hòa giải ở thị trấn Kbang đang họp bàn giải quyết mâu thuẫn trong các hộ dân. Ảnh: L.N
Tổ hòa giải ở thị trấn Kbang đang họp bàn giải quyết mâu thuẫn trong các hộ dân. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND thị trấn Kbang cho biết: Thời gian qua, công tác hòa giải ở khu dân cư được thực hiện một cách khá đồng bộ và có hiệu quả. Từ đó, các mâu thuẫn, vấn đề phát sinh trong đời sống của bà con nhân dân được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, giúp cho chính quyền địa phương, cơ quan hành chính cấp trên giảm bớt áp lực công việc. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tập trung hỗ trợ đối với các tổ hòa giải như kịp thời khen thưởng các tổ hòa giải hoạt động tốt để động viên và huy động sức mạnh của tập thể, các tổ chức thành viên ở khu dân cư tham gia công tác hòa giải.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các tổ hòa giải ở cơ sở cũng gặp không ít khó khăn bởi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Do đó, khi các sự việc phát sinh, nhất là những tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản, các tổ hòa giải rất khó thuyết phục được các bên tự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải cũng rất hạn chế. Theo quy định, mỗi tổ hòa giải được hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng và 200 ngàn đồng cho 1 vụ việc. Ông Nguyễn Bình Nguyên-Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 15, thị trấn Kbang, cho biết: Mỗi lần hòa giải không phải đi một lần là được mà chúng tôi phải đi nhiều lần để tìm ra các phương án giải quyết. Do đó, kinh phí hỗ trợ thấp cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh đó, một số tổ hòa giải ở cơ sở vẫn chưa phát huy được hiệu quả hoạt động, trong hòa giải còn lúng túng, chưa nắm chắc những quy định pháp luật mới nên tính thuyết phục chưa cao và không đem lại kết quả. Mặt khác, một số hòa giải viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc còn cầm chừng, không kịp thời phát hiện các vụ việc phát sinh ở cơ sở… dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, gây mất an ninh nông thôn. Do đó, huyện Kbang đã tiến hành kiện toàn lại các tổ hòa giải ở cơ sở và triển khai nhiều giải pháp để phát huy vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở.

Bà Y Thắng-Trưởng phòng Tư pháp huyện Kbang cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho huyện củng cố, kiện toàn lực lượng hòa giải viên ở cơ sở theo đúng quy định nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức được tổ chức thường xuyên. Năm 2015, huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 100 hòa giải viên; đầu năm 2016 tổ chức 1 lớp tập huấn cho 167 hòa giải viên đại diện cho các tổ hòa giải. Qua các đợt tập huấn, chúng tôi đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của các hòa giải viên ở cơ sở và kịp thời tuyên truyền, phổ biến và cập nhật những văn bản pháp luật mới có hiệu lực để giúp các hòa giải viên thực hiện tốt hơn nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, định kỳ 2 năm, huyện tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn huyện góp phần củng cố kiến thức pháp luật, trau dồi kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên, từ đó giải quyết tốt các vụ việc phát sinh ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm