Phóng sự - Ký sự

Kể chuyện bắn máy bay Mỹ trên đất Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đem những trăn trở về tận giường ngủ mỗi đêm, ông Hoàng Thế Quý phân tích từ địa hình, địa thế, quy luật bay, tốc độ bay và tốc độ đạn. Những trăn trở ấy bám riết trong suy nghĩ của người lính trẻ...

Trong cuốn "Lịch sử Sư đoàn 31" của NXB Quân đội Nhân dân Việt Nam, trang 20 có đoạn viết: "Ngày 7-6 phân đội súng cao xạ 14,5 ly do Đại đội trưởng Hoàng Thế Quý chỉ huy đã dũng cảm chiến đấu bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F8U. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên đất Lào".

Được đào tạo cẩn thận

Từ những manh mối này, chúng tôi tốn khá nhiều thời gian để lần tìm về nhân vật Hoàng Thế Quý. Điều khá bất ngờ là nhà ông ở ngay phố Chùa Quỳnh (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những trận đánh của ông cùng đơn vị trên đất bạn Lào, đặc biệt là chuyện bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên, ông Hoàng Thế Quý (94 tuổi) như trẻ lại đến cả chục tuổi. Sau vài giây, đôi mắt ông nheo lại rồi bỗng rực sáng như ký ức một thời hào hùng đang quay lại.

 

Trong bộ huy chương của mình, ông Hoàng Thế Quý rất trân trọng 2 tấm huy chương của nước bạn Lào tặng
Trong bộ huy chương của mình, ông Hoàng Thế Quý rất trân trọng 2 tấm huy chương của nước bạn Lào tặng.


Ông sinh ra trong gia đình có tới 10 anh chị em, thuộc dòng họ của quan Kinh lược Bắc kỳ - Đại học sĩ - Quận công Hoàng Cao Khải, tác giả của cuốn "Việt sử yếu" bằng tiếng Hán. Sinh ra trong gia tộc dòng dõi nên cả 10 anh chị em của ông Quý đều được đào tạo cẩn thận và theo học các trường có tiếng thời bấy giờ.

"Sau khi học ở Trường Quốc học Vinh và đệ tam chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, tháng 5-1950, tôi xung phong đi bộ đội và học khóa 6 Trường Lục quân. Thời điểm này, khóa chúng tôi được chia làm 2 nửa, một nửa đào tạo ở Thanh Hóa và nửa còn lại đào tạo tại Trung Quốc. Tôi được đào tạo ở Thanh Hóa và 2 năm sau thì tốt nghiệp. Lúc này, hiệu trưởng nhà trường là đồng chí Hoàng Điền" - ông Quý nhớ lại.

Ký ức như thước phim quay chậm trong ánh mắt của ông. Ông Quý chầm chậm kể, sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân, khóa đào tạo của ông được chia thành 2 đơn vị, sau này trở thành Trung đoàn 168 và Trung đoàn 108. "Trong đó, đơn vị của tôi được phân công vào Liên khu 5 Tây Nguyên, thuộc Trung đoàn Bộ binh chủ lực 108" - ông Quý hào hứng.

Hiệp định Genève 1954 được ký kết, đơn vị ông tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, ông được giao nhiệm vụ quản lý hồi binh, đồng thời làm công tác bổ túc văn hóa cho các cán bộ của trung đoàn.

Đến năm 1956-1957, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Pháo binh, đóng trên địa bàn Sơn Tây (Hà Nội bây giờ - TG). Sau những năm tháng học tập, tháng 7-1958, ông tốt nghiệp thủ khoa và được điều về Tiểu đoàn 24, Quân khu Tây Bắc, để bảo vệ sân bay Nà Sản (thuộc huyện Hát Lót - Sơn La ngày nay).

Chiến đấu và bảo vệ sân bay Nà Sản được 5 năm, đến đầu năm 1964, Tiểu đoàn 24 được lệnh của quân khu sang làm nhiệm vụ chiến đấu trên đất bạn Lào.

"Chúng tôi có 6 xe chở 6 khẩu pháo 14,5 ly sang bản Son nằm giữa huyện Sầm Nưa và Xiêng Khoảng của nước bạn Lào để bảo vệ sở chỉ huy tiền phương và đồng chí Bằng Giang - Thiếu tướng, Tư lệnh trưởng Quân khu Tây Bắc - đang thực thi nhiệm vụ" - ông Quý cho biết.

Và cũng tại bản Son này, ông Quý cùng các đồng đội đã bắn hạ 2 chiếc máy bay F8U Crusader khi chúng đang trinh sát nhằm tìm cách phá hoại con đường độc đạo từ Việt Nam sang Lào.

Nghiên cứu, cải tiến bố trí phòng thủ

Trong một lần cùng đồng đội đang tắm dưới suối thì máy bay địch bay qua sở chỉ huy.

"Chúng vụt đến và bay đi rất nhanh. Qua nhiều lần quan sát, tôi nhận thấy những lý thuyết phòng không mà chúng tôi được học ở trường nếu đưa vào áp dụng sẽ không mấy hiệu quả trong trường hợp này. Mình phải tìm cách khác" - ông Quý trăn trở.

Đem những trăn trở ấy về tận giường ngủ mỗi đêm, ông Quý bắt đầu phân tích từ địa hình, địa thế, quy luật bay, tốc độ bay và tốc độ đạn. Những trăn trở ấy cứ bám riết trong suy nghĩ của người lính trẻ.

 

Ông Phùng Văn Noãn thăm lại người thủ trưởng của mình năm xưa
Ông Phùng Văn Noãn thăm lại người thủ trưởng của mình năm xưa


"Trong lý thuyết tôi được học ở trường, trước khi bắn phải theo khẩu lệnh. Ví dụ: Máy bay địch số…, tốc độ…, cự ly…, điểm xạ ngắn…, điểm xạ dài… Xong báo cáo. Được lệnh bắn mới bắn" - ông Quý nói.

Tuy nhiên, ông Quý phân tích: "Căn cứ vào kiến thức vật lý đã học hồi ở đệ tam chuyên khoa và địa hình đường số 7 mà chúng tôi bố trí tuyến phòng thủ là con đường độc đạo, xung quanh chỉ có núi đá cao. Máy bay muốn đánh phá chỉ còn cách duy nhất là bay thấp, theo trục đường 7 để đánh vào sở chỉ huy. Áp dụng công thức tam giác thường, cộng với máy đo xạ báo về, đến đúng thời điểm là chúng tôi quyết định nổ súng".

"Trưa 6-6-1964, tiếng máy bay địch gầm rú trên bầu trời. Chúng tôi vào vị trí chiến đấu. Đúng như dự đoán và những gì chúng tôi chuẩn bị, chỉ vài giây sau, máy đo xạ báo: Máy bay địch ngoài 5 ngàn mét, rồi 4 ngàn rưỡi, 3 ngàn… Tôi hạ lệnh: Bắn. Tất cả 12 nòng pháo 14,5 ly chụm vào chiếc F8U Crusader và nhả đạn" - ông Quý nhớ rõ từng chi tiết và kể ngay sau loạt đạn đầu tiên vừa dứt, tiếng động cơ của máy bay gầm lên, lao vút trên bầu trời với cột khói đen kéo dài và bốc lửa.

"Chúng tôi còn dõi theo chiếc F8U với cột khói kéo dài và nhìn rất rõ phi công nhảy dù ra khỏi máy bay. Sau đó, sư trưởng có điện đàm cho chúng tôi, thông báo chiếc máy bay trên đã bị bắn hạ và phi công cũng bị Tiểu đoàn 5 Bộ binh của ta bắt được. Sau này, chúng tôi được biết phi công lái chiếc F8U Crusader là Charles Klusmann, thuộc đơn vị hải quân" - ông Quý chia sẻ thêm.

Ngay sau ngày 7-6-1964, máy bay địch lại tiếp tục bay tới khu vực sở chỉ huy. Ông Quý cùng đồng đội tiếp tục nghiên cứu, bố trí phòng thủ.

Tấm lòng sắt son

"Lần này, quan sát cách đánh của địch, ngoài việc bố trí trận địa như trước, chúng tôi quyết định dùng một xe AM với khẩu 14,5 ly đặt trên núi, phía sau tuyến phòng thủ, để đón lõng. Sau khi chiếc F8U nhào xuống bắn 2 quả rocket rồi trồi lên để về căn cứ thì chúng không ngờ liên tiếp bị khẩu pháo ở trận địa và khẩu pháo đón lõng của ta phía trên đồi nhả đạn. Tiếp tục một cột khói kéo dài" - ông Quý kể về chiến tích bắn hạ máy bay thứ 2.

Lý giải về việc chưa có sử sách nào ghi nhận về chiến công này, ông Phùng Văn Noãn (SN 1938; quê Sơn Tây, TP Hà Nội) - đồng đội của ông Hoàng Thế Quý - cho biết: "Sau khi bắn hạ 2 máy bay địch, chúng tôi được mời về Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo để rút kinh nghiệm toàn quân. Tuy nhiên, đây là việc bắn rơi ở nước ngoài nên lúc đó chưa được công nhận".

Chúng tôi chia tay cựu Đại đội trưởng Hoàng Thế Quý dưới cơn mưa nặng hạt. Trên đường trở về, văng vẳng bên tai lời ông Quý dặn: "Nhà báo cứ viết nhưng đừng nói hơn cho tôi về những chiến công này nhé. Đó là công sức của cả đơn vị, của những người đã nằm xuống mà tôi là người may mắn còn trở về sau cuộc chiến tranh".

Đó là tấm lòng sắt son mà những người lính như ông vẫn còn giữ lại!

 


Sách, báo Mỹ viết về những sự kiện này

Ngày 7-6-1964, Thời báo New York (The New York Times) đăng sự kiện chiếc máy bay phản lực do thám F8U Crusader đầu tiên bị bắn rơi tại Lào.


 
Trong cuốn “Lịch sử Sư đoàn 31” ghi: “Đại đội trưởng Hoàng Thế Quý chỉ huy đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F8U. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trên đất Lào”
Trong cuốn “Lịch sử Sư đoàn 31” ghi: “Đại đội trưởng Hoàng Thế Quý chỉ huy đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F8U. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trên đất Lào”

Cũng trên thời báo này, ngày 22-11-1964, tiếp tục đưa tin từ Lầu Năm Góc: "Một máy bay phản lực khác của Mỹ bị bắn hạ khi đang bay do thám trên địa phận Lào". Bài báo thống kê lại các máy bay của Mỹ đã bị bắn rơi tại Lào, trong đó có đoạn miêu tả chi tiết về 2 chiếc máy bay hiệu F8U Crusader đã bị bắn rơi vào ngày 6-6 và 7-6-1964 và Charles F.Klusmann - phi công lái chiếc F8U ngày 6-6-1964 - đã bị bắt sống.

Trong cuốn sách "F-8 Crusaders vs Mig-17: Vietnam 1965-72" của Peter Marsky và cuốn "A Century of U.S Naval Intelligence" (Một thế kỷ tình báo Hải quân Hoa Kỳ) của tác giả Wyman H.Packarrd cũng đã ghi lại các sự kiện này.


Theo Giang Vương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm