Kết hợp hiệu quả giữa chơi và học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được chính thức phát động từ tháng 3-2014, Liên hoan các Đội Tuyên truyền Măng non toàn tỉnh (diễn ra trong hai ngày 12 và 13-4 vừa qua) không những là một sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi mà còn mang lại nhiều bài học giáo dục sâu sắc.

Thỏa sức sáng tạo

Sau khi phát động, Liên hoan đã nhận được sự quan tâm và nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo học sinh. Tất cả các trường khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị từ khâu kịch bản, nội dung đến đạo cụ diễn xuất... Trải qua những cuộc tuyển chọn cấp cơ sở, 16 đội xuất sắc nhất đến từ 16 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ huyện Chư Prông) đã mang đến cho Liên hoan những sắc màu đầy mới mẻ và sáng tạo. Chất lượng của các đội thi được Ban tổ chức đánh giá khá cao và tương đối đồng đều.

 

Các loại hình nghệ thuật như hát, múa, hò, vè… được vận dụng sáng tạo trong phần thi “Chào hỏi”. Ảnh: Hồng Thi
Các loại hình nghệ thuật như hát, múa, hò, vè… được vận dụng sáng tạo trong phần thi “Chào hỏi”. Ảnh: Hồng Thi

Anh Nguyễn Hoàng Phong-Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan-cho biết: “Giáo dục nhận thức phòng-chống thiên tai, giảm nhẹ tai nạn thương tích và bạo hành trẻ em” là một chủ đề rộng. Do đó, tùy theo điều kiện địa lý, xã hội đặc trưng của từng địa phương, các đội có thể lựa chọn cho mình một nội dung phù hợp nhất để tham dự Liên hoan. Trên tinh thần ấy, các đội thi được thỏa sức sáng tạo, khẳng định nét riêng của mình qua từng phần thi.

“Sau khi nhận được Công văn của Huyện đoàn, thầy và trò đã tích cực cùng nhau chuẩn bị và hăng say tập luyện. Dù huyện cách TP. Pleiku khá xa, việc đi lại cũng như mang vác trang-thiết bị, đạo cụ diễn… không mấy thuận tiện, song đội huyện Krông Pa đã cơ bản khắc phục được khó khăn để về tham gia liên hoan. Các em cũng rất hào hứng và phấn khởi khi có cơ hội thể hiện khả năng của mình”-thầy Trần Hùng Cường-giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pa) chia sẻ.

 

Ở phần thi “Chào hỏi”, đa số các đội đã biết vận dụng nghệ thuật thơ, ca, hò, vè, hát, múa… để giới thiệu về trường, về địa phương mình cũng như các thành viên trong đội. Điều đó đã tạo nên sự sinh động, hấp dẫn, gây được ấn tượng trong lòng Ban giám khảo và khán giả như các đội: TP. Pleiku, Ia Grai…

Sự sáng tạo được thể hiện rõ nhất ở phần thi “Tiểu phẩm” thông qua kịch bản, cấu trúc câu chuyện. Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn-Nguyễn Hoàng Phong, 16 đội thi đã đem đến liên hoan nhiều tiểu phẩm hay, nội dung tốt. Các tuyên truyền viên nhí với lối diễn xuất tự nhiên, cảm xúc đã góp phần thổi hồn, chắp cánh cho các vở kịch được thăng hoa. Tuy nhiên, một vài tiểu phẩm có nội dung tuyên truyền chưa cao, kết cấu còn lúng túng, đơn điệu, trùng lặp, gây phản tác dụng.

Tính giáo dục cao

 

Tiểu phẩm của đội huyện Chư Pưh mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Ảnh: Hồng Thi
Tiểu phẩm của đội huyện Chư Pưh mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Ảnh: Hồng Thi

Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhận định: “Tai nạn thương tích và bạo hành trẻ em đang là hai vấn đề gây bức xúc xã hội. Tuy Gia Lai chưa phải là điểm nóng về vấn nạn ấy, song việc tạo ra những sân chơi liên quan như thế này đã phần nào giúp các em có sự hiểu biết nhất định, trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi tai nạn thương tích, kỹ năng ứng phó và chống trả với nạn bạo hành…”.

Phần thi thể hiện rõ mục đích ấy là “Hùng biện”. Ở phần thi này, nhiều đội có nội dung tuyên truyền tốt, biết đặt vấn đề và tháo gỡ một cách thuyết phục thông qua những dẫn chứng và biện pháp cụ thể. Với lối diễn đạt lưu loát, truyền cảm kết hợp với việc lên clip minh họa khớp với nội dung, các đội thi đã lột tả được sâu sắc ý tưởng chủ đề mà mình muốn chuyển tải.

 

Là một trong những tuyên truyền viên có phong cách trình bày lôi cuốn, tự tin và biểu cảm khá tốt, em Nguyễn Thị Út Ngân (đội thị xã An Khê) tâm sự: “Hàng ngày, thông qua tivi, báo, đài… cũng như trong cuộc sống xung quanh, em biết được những trường hợp trẻ em bị bạo hành, đánh đập, tự bản thân cảm thấy đồng cảm, rất thương các em ấy. Vì thế cho nên dù chỉ có 3 ngày để chuẩn bị cho phần thi hùng biện nhưng em có thể dễ dàng nhập tâm và tự tin nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề này”.

Phần thi “Tiểu phẩm” của các đội với những vở kịch nhỏ về tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành trẻ lang thang, cơ nhỡ; về tác hại của thiên tai, của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh hay những tai nạn thương tích không may khác… cũng đã góp phần gửi gắm những thông điệp giáo dục đến đông đảo mọi người. Và đằng sau những thực trạng đáng thương tâm và nhức nhối ấy, các tiểu phẩm cũng đề cao tình cảm yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm chung tay vì trẻ em của toàn xã hội. Cô Võ Thị Thuận-giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Kbang) cho hay: “Sau khi chuẩn bị xong phần nội dung, chúng tôi đã đưa kịch bản đến từng chi đội để lựa chọn diễn viên phù hợp. Sau 1 tuần tập luyện nghiêm túc, đội đã thể hiện khá thành công các phần thi tại liên hoan. Đặc biệt, tôi khá bất ngờ khi các em đã nhập tâm tốt lúc diễn tiểu phẩm, rời khỏi sân khấu rồi mà còn úp mặt vào tường thút thít khóc”.

 

Đây thật sự là một sân chơi bổ ích và thiết thực cho thiếu nhi tỉnh nhà. Ảnh: Hồng Thi
Đây thật sự là một sân chơi bổ ích và thiết thực cho thiếu nhi tỉnh nhà. Ảnh: Hồng Thi

Bên cạnh đó, thông qua phần thi “Phát thanh măng non” (thu CD và gửi về cho Ban tổ chức trước khi diễn ra liên hoan), các đội cũng đã chuyển tải nội dung một cách hấp dẫn, sát với thực tế địa phương và phù hợp với tâm lý lứa tuổi thông qua chất giọng hay, truyền cảm của các em. Nhiều đội như Kbang, Pleiku, Chư Pah, Ia Grai… đã biết khai thác các câu chuyện thời sự liên quan đến chủ đề đưa ra, từ đó đưa ra những giải pháp hoặc thông điệp ý nghĩa nhằm kêu gọi tất cả mọi người cùng xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Liên hoan các Đội Tuyên truyền Măng non thực sự là một sân chơi lành mạnh, bổ ích và đầy lý thú cho thiếu nhi tỉnh nhà; là điều kiện để các em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là nắm bắt thêm nhiều kiến thức về phòng-chống thiên tai, giảm nhẹ tai nạn thương tích và biết cách tự bảo vệ mình khi bị xâm hại, bạo hành. Từ đó, các em có thể rèn luyện bản thân hơn nữa để trở thành một tuyên truyền viên tích cực, mang những kiến thức mà mình có được để tuyên truyền cho bạn bè, gia đình và những người xung quanh, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm