Kết thúc Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Thí sinh phấn khởi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng nay (27-6), dù buổi thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra trong tiết trời mưa tầm tã ở nhiều địa phương, song hơn 9.000 thí sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn hoàn thành tương đối suôn sẻ bài thi của mình, khép lại một mùa thi an toàn và nghiêm túc.

Nụ cười của sĩ tử sau khi kết thúc Kỳ thi. Ảnh: Trần Dung
Nụ cười của sĩ tử sau khi kết thúc Kỳ thi. Ảnh: Trần Dung



 TP. Pleiku đổ mưa nặng hạt từ đêm qua kéo dài đến sáng nay. Từ sớm, nhiều phụ huynh và thí sinh đã đội mưa chở nhau đến các điểm thi để kịp giờ vào phòng thi. Bên ngoài, mặc thời tiết bất lợi, lực lượng tình nguyện, đảm bảo an ninh trật tự vẫn tích cực thực hiện nhiệm vụ nhằm hỗ trợ cho các sĩ tử hoàn thành kỳ thi đạt kết quả cao nhất. “Sáng nay, các bạn tình nguyện viên vẫn tập trung tại các điểm thi được phân công đảm trách, chuẩn bị nước uống và khoảng gần 80 hộp cơm để phát cho thí sinh sau khi thi xong. Đội xe ôm tình nguyện cũng túc trực, sẵn sàng đưa đón các thí sinh có nhu cầu đi lại”-sinh viên Huỳnh Ngọc Đủ-phụ trách Đội tình nguyện Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, phân hiệu Gia Lai-cho biết. Riêng khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, thời tiết khá nắng ráo và mát mẻ như tiếp thêm tinh thần cho các thí sinh hoàn thành bài thi cuối cùng.
 

 Những thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội sáng nay sẽ làm bài thi 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Mỗi môn thi gồm 40 câu trắc nghiệm trong thời gian 50 phút, bắt đầu với môn Lịch sử. Kết thúc giờ làm bài, nhiều thí sinh ra về với gương mặt rạng rỡ, phấn khởi vì đề thi không đánh đố, nội dung bám sát chương trình giáo khoa, dễ đạt điểm trung bình. Tuy nhiên, với môn Lịch sử, thí sinh cho rằng đề khá dài, kiến thức dàn trải nên nếu không nắm vững sẽ rất khó đạt điểm cao.

Thí sinh rời phòng thi tại điểm trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ. Ảnh: Phương Linh
Thí sinh rời phòng thi tại điểm trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ. Ảnh: Phương Linh



Tại điểm thi Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku), theo ghi nhận của PV, khá nhiều thí sinh đã rời khỏi phòng thi sau khi kết thúc giờ làm bài 2 môn Lịch sử và Địa lý. Em Rơ Châm Tra-thí sinh học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Lai-chia sẻ: “Chúng em không phải thi môn Giáo dục công dân nên được ra sớm. Em thấy đề thi Sử hơi dài, lượng kiến thức lớn và rộng nên chắc em chỉ đạt được điểm trung bình”. “Môn Lịch sử khá dài, kiến thức dàn trải ở cả chương trình lớp 11 và 12, tập trung vào phần lịch sử Việt Nam và nhiều mốc thời gian nên sợ nhớ nhầm, em chắc chỉ đạt 6 điểm môn thi này”-em Nguyễn Thị Kim Liên (điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai) cũng tâm sự.

Môn Địa lý và Giáo dục công dân có phần “dễ thở” hơn với các thí sinh. Nếu môn Địa chỉ cần dựa vào Atlat vẫn có thể hoàn thành gần 1/2 đề thi thì đề Giáo dục công dân lại đưa ra nhiều tình huống giả định thực tế nên dễ vận dụng kiến thức đã học để phân tích và trả lời. Nhiều sĩ tử dự đoán mình có thể đạt được 7-8 điểm, thậm chí 9 điểm ở các bài thi này. Thí sinh Đinh Thị Tal (điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Đak Đoa) cho hay: “Khi tham khảo đề thi năm ngoái tụi em rất sợ nhưng không ngờ năm nay đề thi vừa phải, không quá dễ cũng không quá khó, nhất là môn Địa lý khá dễ”. Cùng chung nhận định, em Đồng Thị Hà Thiều-lớp 12B3, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku), nói: “Đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội năm nay ở mức trung bình khá. Cá nhân em cũng không khó để hoàn thành các môn thi. Đặc biệt, đề thi môn Giáo dục công dân khá gần gũi và áp dụng nhiều trong đời sống nên không gây khó khăn cho chúng em”. Còn thí sinh Nguyễn Trần Long Nhật-điểm thi Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) thì phấn khởi: “Trong 3 môn thi trong Tổ hợp Khoa học xã hội, em thấy tự tin nhất với bài thi môn Giáo dục công dân vì đề dễ, em nghĩ cũng phải được 9 điểm.

Thí sinh vui vẻ khi kết thúc bài thi cuối cùng tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện). Ảnh: Đức Phương
Thí sinh vui vẻ khi kết thúc bài thi cuối cùng tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện). Ảnh: Đức Phương



Chọn thi khối D , thí sinh Lê Thị Như Hậu-lớp 12B4, Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku) chỉ làm bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội để xét tốt nghiệp. Hậu đánh giá đề thi Địa và Giáo dục công dân khá nhẹ nhàng dù có vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tế, đề Sử thì kiến thức rơi nhiều vào thời điểm trước năm 1930. “Em chỉ thi để xét tốt nghiệp nên không áp lực lắm, riêng các môn thi để xét đại học em hoàn thành tương đối tốt. Sau 12 năm đèn sách, em hy vọng mình có thể đỗ được vào khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh”-Hậu bày tỏ.
 

Những thí sinh đăng ký thi khối C thì bài thi Tổ hợp này không gây nhiều khó khăn cho các em. Tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa) và Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện), đa số thí sinh bước ra khởi phòng thi với tâm lý vui vẻ. Thí sinh Kpă Siu Phước-lớp 12A4, Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa) cười tươi nói: “So với đề thi thử mà nhà trường đã tổ chức cho chúng em làm đến 3 lần vừa qua thì đề thi chính thức này không khó hơn là mấy. Môn Địa lý có rất nhiều câu hỏi sử dụng Atlat để trả lời nên em trả lời tốt cả 40 câu hỏi. Nhìn chung em hài long với bài thi của mình”.

Các thí sinh điểm thi Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai, vui vẻ sau khi kết thúc các môn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Ngọc Minh
Các thí sinh điểm thi Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai, vui vẻ sau khi kết thúc các môn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Ngọc Minh



“Em dự thi cả 2 tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sáng hôm qua làm bài Hóa và Lý không được tốt lắm nên em cũng hơi lo. Nhưng sang nay nhờ đề thi không quá khó nên em làm bài tốt hơn. Phần câu hỏi về lịch sử thế giới nhiều nhưng là thế mạnh của mình nên em làm bài tốt. Riêng bài thi Giáo dục công dân đòi hỏi phải liên hệ thực tế xã hội và thí sinh phải liên hệ bản thân, đòi hỏi phải biết phân tích, suy luận nhiều hơn. Em tự tin là mình sẽ được điểm cao ở bài thi tổ hợp khoa học xã hội”-thí sinh Trương Thị Hoài Nhi-điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện), bày tỏ.

Dự định nộp xét tuyển vào học viện toà án nên em Trần Thuý Quỳnh-thí sinh dự thi tại điểm Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) khá hi vọng vào các bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội của mình. “Em thấy đề thi tương đối dễ. Môn Địa lý và Lịch sử vừa sức, tất cả nội dung đều nằm trong chương trình học nên không quá khó. Hôm nay đã kết thúc kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh rồi, em cảm thấy thật thoải mái. Em sẽ dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình đợi đến lúc công bố điểm”-Quỳnh chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Thị Kim Liên tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng khá thoải mái vì tổ hợp các môn khoa học xã hội vừa sức. Ảnh: Phan Lài
Thí sinh Nguyễn Thị Kim Liên tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng khá thoải mái vì tổ hợp các môn khoa học xã hội vừa sức. Ảnh: Phan Lài



   Tham dự buổi thi cuối cùng của Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cũng có nhiều thí sinh lớn tuổi. Rời điểm thi Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa), thí sinh Ksor Sôm (SN 1970, Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng, huyện Krông Pa) tươi cười cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi đi thi. Đề thi hôm nay ở mức trung bình và tôi làm được bài, hi vọng kết quả sẽ như mong đợi”. Thí sinh Nguyễn Xuân Chính (SN 1969, Công an xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) cũng bộc bạch: “Mặc dù đã lớn tuổi nhưng mình vẫn quyết tâm ôn tập thật tốt để thi đạt kết quả cao. Sáng nay, đề thi các môn tổ hợp khá vừa sức với mình”.

Ông Hoàng Công Nhuần-một trong những thí sinh lớn tuổi tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Hoàng Công Nhuần-một trong những thí sinh lớn tuổi tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Tú



Tương tự, tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (thị trấn Phú Hoà, huyện Chư Pah) có 2 thí sinh là ông Hoàng Công Nhuần-Chủ tịch UBND xã Chư Jôr (SN 1966) và ông Nguyễn Ái Thân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ka (SN 1973). Hai thí sinh này tham gia học bổ túc hệ THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Chư Pah để hoàn thiện bằng cấp và động viên con cháu học hành. Kết thúc kỳ thi, 2 thí sinh này phấn khởi vì hoàn thành khá tốt các bài thi ở 4 môn: Toán, Văn, Sử, Địa.

Các tình nguyện viên đưa thí sinh về phòng trò sau khi thi xong. Ảnh: Hồng Thi
Các tình nguyện viên đưa thí sinh về phòng trò sau khi thi xong. Ảnh: Hồng Thi



Đây là buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 nên tất cả các thí sinh và phụ huynh đều cảm thấy thoải mái. Chị Trịnh Thị Hằng (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho hay: “Con tôi không xét nguyện vọng vào Đại học mà chỉ tốt nghiệp THPT. Nghe cháu chia sẻ đề thi vừa sức và làm được khoảng 70% mỗi đề thi nên tôi khá yên tâm”. Cùng hàng chục phụ huynh ngồi ngoài cổng trường chờ con thi, chị Phạm Thị Mai (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An, thị xã An Khê) bày tỏ: “Thường ngày cháu đi học bằng xe đạp điện. Mấy ngày thi cháu nói để con tự đi nhưng tôi thấy trời nắng qua, nhà lại cách điểm thi gần 15 km. Do đó, tôi thu xếp việc đồng ruộng để chở con đi vừa đảm bảo an toàn cho con, buổi trưa lo ăn uống, cơm nước để con yên tâm thi cử. Hôm nay là ngày thi cuối cùng mong con làm bài tốt, đạt điểm cao để thực hiện ước mơ trở thành luật sư của mình”.

Các thí sinh lên xe ra về sau khi hoàn tất Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Hồng Thi
Các thí sinh lên xe ra về sau khi hoàn tất Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Hồng Thi
Theo báo cáo nhanh của Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 9.003 thí sinh đăng ký thi Tổ hợp Khoa học Xã hội với 390 phòng thi; trong đó có 7.870 thí sinh dự thi cả 3 môn. Sáng nay, có 95 thí sinh vắng thi, nhiều nhất là điểm thi Trường THPT Chu Văn An (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) với 15 thí sinh. Tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) có 1 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi ở môn thi Địa lý. Công tác an ninh trật tự và y tế tại các điểm thi được đảm bảo.


NHÓM P.V

 

Có thể bạn quan tâm