Phóng sự - Ký sự

Khắc khoải từ một chiến công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một ngày đầu tháng 12-2017, ông Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ - liên lạc với Tuổi Trẻ để tâm sự về “điều day dứt của cha tôi, và nay sắp kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tôi muốn giãi bày.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng trầm ngâm, "bắn hạ được B52 thì công đầu thuộc về kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc, khi đó là thượng úy công tác tại phòng vũ khí phòng không, Cục Quân khí - Bộ Quốc phòng (thời điểm đó ông Vũ Phạm Thuyên, bố đẻ ông Thắng là trưởng phòng - P.V).

Tìm đến nhà ông Lạc ở khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Phạm Thị Bạch Liên - vợ ông Lạc - bật khóc: "Ông ấy mất từ đầu năm rồi. Mấy năm cuối đời, ông ốm đau nằm viện, bạn bè đồng đội cũ cùng gia đình chạy đi chạy lại lo làm các thủ tục, chỉ mong trước khi chết ông nhà tôi được ghi nhận, khen thưởng vì thành tích góp công bắn hạ B52. Nhưng ông ấy mất rồi...".

 

Ông Võ Xuân Cờ với hồ sơ, tư liệu chứng minh kỹ sư - thượng úy Nguyễn Ngọc Lạc là người có công nghiên cứu, cải tiến rađa K860 giúp tên lửa xác định mục tiêu chính xác để bắn hạ B52.
Ông Võ Xuân Cờ với hồ sơ, tư liệu chứng minh kỹ sư - thượng úy Nguyễn Ngọc Lạc là người có công nghiên cứu, cải tiến rađa K860 giúp tên lửa xác định mục tiêu chính xác để bắn hạ B52.

Cải tiến rađa hỏng bắn hạ B52

Giở cuốn Lịch sử ngành quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975)", ông Võ Xuân Cờ - đồng nghiệp cùng phòng vũ khí phòng không với ông Lạc - buồn bã: "Trong cuốn sách này ghi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi thành công của Cục Quân khí trong việc cải tiến rađa K860.

Tổng kết thi đua năm 1972, phòng vũ khí phòng không được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Riêng đồng chí Nguyễn Ngọc Lạc được chọn làm báo cáo để đề nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam".

Ông Cờ dẫn dắt: cuối năm 1972 xưởng quân giới (Cục Quân khí - Quân chủng phòng không - không quân) tiếp nhận một số rađa K860 về để sửa chữa do cả hai băng sóng 1 và 2 đều hỏng. Đây là loại rađa có băng sóng 10cm và băng sóng 3cm. Các băng sóng 10cm thì đối phương dò được, phá nhiễu và tấn công lại ta.

Băng sóng 3cm thì hoàn toàn mới, đối phương chưa biết nhưng hiểm nỗi hầu hết các rađa khi hoạt động thì băng sóng 3cm toàn bị hỏng. Việc chỉ sử dụng băng sóng 10cm khiến ta bắn gần 100 quả tên lửa ở Hải Phòng ngày 16-4-1972 và gần 40 quả tên lửa ở phía tây thủ đô Hà Nội một ngày sau đó không trúng mục tiêu B52 nào.

Tháng 5-1972, Quân ủy trung ương tổ chức hội nghị bàn cách bắn hạ B52 vì nhận định chắc chắn Mỹ sẽ đánh Hà Nội. Khi đó đưa ra 3 phương án đánh B52 bằng cách bắn pháo sáng, dùng máy bay Mic-23 bay lên trên B52 để thả pháo sáng và dùng kính quang học. Và cả 3 cách này đều không hiệu quả.

Phải khôi phục được băng sóng 3cm thì mới làm đối phương bất ngờ được. Ông Lạc trao đổi với mọi người trong phòng và xuống xưởng quân khí tìm hiểu. Lúc này, hàng chục cán bộ kỹ thuật, chuyên gia Trung Quốc hì hục sửa chữa băng sóng 3cm, nhưng sau 3 tháng họ đành bó tay.

"Anh Lạc là người rất cần cù, chịu khó. Anh học ở Trung Quốc 4 năm. Anh cũng tự học tiếng Nga để đọc, dịch các tài liệu tiếng Nga hồi đó. Vì biết tiếng Trung, tiếng Nga nên anh ấy tự mua sách để nghiên cứu..." - ông Cờ nói về người đồng đội của mình.

Theo ông Cờ, khi đó phòng vũ khí có 3 nhiệm vụ là tiếp nhận, bảo quản và hướng dẫn sử dụng vũ khí. Việc sửa chữa vũ khí phòng không thuộc nhiệm vụ của đơn vị khác. Nhưng ông Lạc là người rất chịu khó tìm hiểu, quyết truy cho ra nguyên nhân rađa K860 hỏng vì đâu. Rồi ông đã phát hiện nguyên nhân băng sóng 3cm không hoạt động là do mạch điện bị đấu sai.

Ông Cờ cho biết rađa K860 vốn được trang bị đồng bộ cho pháo cao xạ tầm trung 57mm, nhưng sau khi sửa chữa, cải tiến ổn định thì ông Lạc cho rằng loại rađa K860 có thể giúp tên lửa đánh B52.

Chính nhờ có sáng kiến, cải tiến của ông Lạc mà rađa K860 hoạt động tốt với 2 băng sóng, bắt mục tiêu B52 một cách chính xác, nhờ đó dẫn đường cho tên lửa của ta bắn hạ được B52. Khi đó, Bộ tư lệnh phòng không không quân đã nhanh chóng triển khai ứng dụng cải tiến toàn bộ rađa K860 cho các đơn vị tên lửa để đối phó với máy bay B52".

 

Sách Lịch sử ngành quân khí do NXB Quân Đội Nhân Dân xuất bản năm 2006, từ trang 241-243 có ghi về sáng kiến cải tiến và chiến công của thượng úy Nguyễn Ngọc Lạc và các cộng sự phòng vũ khí phòng không.
Sách Lịch sử ngành quân khí do NXB Quân Đội Nhân Dân xuất bản năm 2006, từ trang 241-243 có ghi về sáng kiến cải tiến và chiến công của thượng úy Nguyễn Ngọc Lạc và các cộng sự phòng vũ khí phòng không.

Lá thư day dứt gửi Chủ tịch nước

"Bố tôi, cụ Vũ Phạm Thuyên từng là chỉ huy của ông Lạc. Trước khi mất, cụ rất suy tư, trăn trở với việc người lính của mình có công lớn nhất trong việc cải tiến rađa phòng không giúp phát hiện chính xác B52 để tên lửa bắn hạ. Vậy nhưng sau bốn mươi năm, ông Lạc vẫn không được khen thưởng gì..." - ông Vũ Phạm Quyết Thắng nói về lý do mà hơn 3 năm trước (ngày 19-5-2014) ông đã gửi thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trong thư, ông Thắng mong mỏi và kiến nghị Chủ tịch nước trao đổi với Bộ Quốc phòng, Quân ủy trung ương giao cho Tổng cục Kỹ thuật, Cục Quân khí "xem xét lại trường hợp của thượng úy Nguyễn Ngọc Lạc để có thể làm thủ tục xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang".

Trong thư, ông Thắng nêu: đến đầu năm 1972, chúng ta chưa hạ nổi pháo đài bay B52 mà ngược lại, ta thiệt hại rất nhiều người và khí tài. B52 - pháo đài bay của Mỹ - là một thách thức trong cuộc chiến. Nên việc sửa chữa, cải tiến và dẫn đường cho tên lửa bắn hạ được B52 là một thành tích vang dội, góp phần thay đổi cục diện cuộc đối đầu.

Ông Cờ cũng cho biết năm 2011 và 2012, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thành lập Cục Quân khí, ông cũng có đơn gửi Cục Quân khí đề nghị xét phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Lạc. Để hoàn thiện hồ sơ, ông đã liên hệ và cùng các đồng đội cũ xác nhận vụ việc, chứng minh cuối năm 1972 đơn vị đã nhiều lần họp bàn và thống nhất đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho ông Lạc.

"Vụ việc này cũng rối rắm, ông Lạc thì ốm yếu nên giao cho vợ con làm nên cũng khó mà chỉn chu, vì nó liên quan đến kỹ thuật. Nói chung, dính đến khen thưởng thì rất phức tạp..." - người cựu binh gốc Quảng Ngãi Võ Xuân Cơ buồn bã nói.

45 năm từ ngày ấy. Và người có công nay cũng đã khuất núi. Nhưng một sự ghi nhận chiến công vẫn còn xa...

 

12 ngày đêm oai hùng: hạ 34 chiếc B52

Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, từ 18-12 đến 30-12-1972. Tại chiến dịch này, Mỹ sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B52 làm nòng cốt ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm.

Đêm 18-12, chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác.
 

Không để người có công bị lãng quên
 

Vợ ông Lạc bật khóc:
Vợ ông Lạc bật khóc: "Chỉ mong trước khi chết ông nhà tôi được ghi nhận, khen thưởng nhưng ông ấy mất rồi..."

Ông Phạm Vũ Quyết Thắng nói: "Để bắn hạ được pháo đài bay B52, công lớn thuộc về ông Nguyễn Ngọc Lạc, người đã nghiên cứu, sửa chữa và cải tiến rađa K860 của Trung Quốc để chống nhiễu và bắt rõ mục tiêu, bắn hạ siêu pháo đài bay này. Sau chiến công này, đơn vị đã đề nghị phong Anh hùng cho ông Lạc, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa được khen thưởng gì. Đó là lý do tôi làm đơn gửi Chủ tịch nước".

Đức Bình/tuoitre

Có thể bạn quan tâm