Khắc phục sạt lở đất ven sông Ba: Những việc cần làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ những năm 90 của thế kỷ trước, dọc bờ sông Ba đoạn qua địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất. Mặc dù đã có những dự án di dời, tái định cư được lập ra nhưng cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn  bấp bênh.
Sạt lở ruộng vườn
“Trong trận lũ năm 2009, chỉ sau một đêm, sông Ba đã lấn sâu vào buôn đến 30 m. Từ đó đến nay, mỗi mùa mưa lũ đi qua, con sông lại tiến sâu thêm dăm ba mét nữa. Khi nước lớn, những ngôi nhà ven sông trở nên thật mong manh, nhỏ bé”-ông Hiao Buk-Chủ tịch UBND xã Ia Rsai tỏ ra lo ngại.
Mảnh vườn của một hộ dân ở buôn Kting (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) đang bị sông Ba lấn dần. Ảnh: L.H
Mảnh vườn của một hộ dân ở buôn Kting (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai) đang bị sông Ba lấn dần. Ảnh: L.H
Chị Nay Kla (buôn Kting, xã Ia Rsai) vẫn nhớ như in cảm giác sợ hãi gần chục năm về trước, dù khi ấy chị mới gần 10 tuổi. Chỉ qua một đêm, dòng sông Ba đã tiến sát mép khu vườn phía sau nhà, nước cuồn cuộn, đục ngầu. Người trong buôn ai nấy hoảng hốt di dời đồ đạc, nương nhờ nhà người thân. Từ đó đến nay, mỗi mùa mưa lũ qua đi là phần đất sản xuất phía sau vườn lại thu hẹp thêm vài mét. “Nhà mình giờ còn cách mép sông chỉ vài chục mét nên đêm nào mưa to là cả nhà ngủ không yên vì lo lắng”-chị Kla nói.
Ia Rsai là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng sạt lở sông Ba, trong đó, buôn Kting có đến 53/100 hộ buộc phải di dời. Đây cũng là xã duy nhất trong số 5 xã dọc sông Ba tại huyện Krông Pa đã bố trí được khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Toàn xã có 170 hộ thuộc 4 buôn: Kting, Chik, Pan và Puh buộc phải di dời đến nơi an toàn. Chư Rcăm là địa phương đứng thứ 2 về thiệt hại bởi nạn sạt lở đất với 110 hộ dân cần được di dời; trong đó, riêng buôn Hlang là khoảng trên 80 hộ. Hiện nay, tại Chư Rcăm vẫn còn những hộ có nhà ở cách dòng sông Ba chỉ vỏn vẹn 10 m. “Sông Ba gần như đã cuốn mất nghĩa địa buôn Hlang và hàng chục héc ta đất sản xuất lâu đời, ổn định của bà con. Không chỉ đối mặt với nguy cơ mất an toàn, việc mất đất sản xuất đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn bởi thiếu tư liệu sản xuất”-ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm-chia sẻ.
Những dự án dở dang
Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Tình trạng sạt lở sông Ba đã diễn ra từ rất lâu, do đó rất khó để đưa ra một con số tương đối về diện tích đất bị sạt lở, cuốn trôi và bồi lắng. Để ứng phó với thực trạng này, từ sau năm 2009, huyện đã lập một số dự án liên quan như: xây bờ kè, bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở… Tuy nhiên, sau gần 10 năm, các phần việc này mới chỉ được triển khai rất hạn chế.
“Vì tính cấp bách, mố chân cầu Lệ Bắc đã được gia cố ngay sau trận lũ năm 2009. Năm 2012, huyện đã kiến nghị đầu tư trên 17 tỷ đồng để bố trí tái định cư tại xã Ia Rsai. Đến năm 2015, huyện tiếp tục lập dự án di dời và thành lập khu tái định cư tại xã Chư Rcăm với tổng kinh phí gần 32,8 tỷ đồng. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở, năm 2013, huyện cũng đã xây dựng phương án xây bờ kè dọc sông Ba kéo dài từ cầu Lệ Bắc tới xã Chư Gu với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tất cả các phương án trên thì chỉ có dự án tái định cư tại xã Ia Rsai được cấp trên 8 tỷ đồng, 2 dự án còn lại chưa được phê duyệt. Đến nay, huyện vẫn đang tiếp tục đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ địa phương giải quyết vấn đề này”-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết.
Không được triển khai tái định cư hay làm bờ kè chống sạt lở, người dân phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Với lượng mưa lớn như năm nay, người dân vùng có nguy cơ sạt lở tại huyện Krông Pa không khỏi lo lắng. “Chúng tôi đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vùng sạt lở để hạn chế người dân lai vãng, sản xuất tại các khu vực này. Vừa qua, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ trồng tre để giữ đất tại các khu vực bờ sông sạt lở, địa phương cũng đã triển khai đến người dân và sẵn sàng thực hiện khi tỉnh phân bổ giống tre về”-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm Hà Văn Đường-chia sẻ.        
Mong sớm hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư
Được phân bổ trên 8 tỷ đồng, dự án tái định cư tại xã Ia Rsai đã được triển khai một phần. Nhờ đó, đến nay đã có 150/170 hộ được di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy vậy, tại nơi ở mới, cuộc sống của người dân vẫn khó khăn vì cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
Một ngôi nhà vừa di dời qua làng tái định cư. Ảnh: L.H
Một ngôi nhà vừa di dời qua làng tái định cư. Ảnh: L.H
Sau vụ sạt lở nghiêm trọng năm 2009, căn nhà của anh Kpah Mlúi (buôn Kting) chỉ còn nằm cách bờ sông Ba chừng 100 m. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2016, gia đình anh được di dời sang khu vực quy hoạch tái định cư, cách nhà cũ gần 900 m. Tại đây, mặc dù đã vơi bớt nỗi lo về an toàn tính mạng, song gia đình anh Mlúi lại đối mặt với những khó khăn khác: không có hệ thống điện, nước và trường học. “Để có điện sinh hoạt, mình phải kéo điện từ làng cũ cách xa nhà mới 870 m. Đã tốn chi phí ban đầu, giờ trung bình mỗi tháng mình phải trả đến 400-500 ngàn đồng tiền điện”-anh Mlúi bức xúc.
Thiếu nước sinh hoạt cũng “làm khó” nhiều hộ dân ở khu tái định cư buôn Kting. Trong một thời gian dài, hầu hết các hộ tái định cư phải di chuyển về làng cũ hoặc xuống sông Ba lấy nước về dùng. “Trước đây, ngày nào mình cũng phải đi gùi nước từ sông Ba cách nhà gần 1 km về dùng. Vất vả quá nên vừa rồi mình gom góp, vay mượn được 6 triệu đồng để đào tạm giếng nước. Giếng sâu 15 m, chỉ hy vọng có nước trong mùa mưa thôi”-anh Mlúi nói.
Tương tự, hộ anh Ksor Thu (buôn Kting) cũng di dời sang nơi ở mới theo chủ trương của địa phương. Tuy nhiên, vì khó khăn nên anh không có đủ tiền để kéo điện từ buôn cũ về nhà mới. “Mình nấu nướng bằng bếp củi, sưởi ấm mỗi đêm bằng củi như xưa nay người Jrai mình vẫn thế. Hàng xóm thương tình cho sạc nhờ đèn điện, nhưng đèn này chỉ khi thật cần thiết mới đem ra dùng”-anh Thu nói. Vợ chồng anh Thu có đến 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Không có điện thắp sáng nên việc học vào buổi tối của các cháu rất khó khăn. Đây chính là những lý do khiến các hộ còn lại chưa muốn di dời sang khu tái định cư.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tô Văn Chánh, do nguồn kinh phí được phân bổ quá thấp (trên 8 tỷ đồng, trong khi theo ước tính của địa phương, để hoàn tất tái định cư cho 170 hộ với hạ tầng hoàn thiện phải mất khoảng 17 tỷ đồng) nên hiện khu tái định cư buôn Kting chỉ mới dừng ở mức san gạt nền, phân lô, hỗ trợ di dời nhà cho các hộ dân.  “Thực tế này gây khó khăn cho người dân vùng tái định cư khi về nơi ở mới. Bởi vậy, chúng tôi rất mong các dự án tiếp tục được quan tâm, bố trí vốn để thực hiện nốt các phần việc còn lại”-Chủ tịch UBND huyện đề xuất. 
Được biết, vừa qua, huyện Krông Pa đã lập dự án trình lên tỉnh về việc xin bố trí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để hoàn thiện nốt các hạng mục còn thiếu cho dự án tái định cư tại 4 buôn của xã Ia Rsai. Con số này tăng so với dự án ban đầu bởi sự chênh lệch vật giá hiện nay so với thời điểm 6 năm về trước, chưa kể phải đầu tư thêm một số công trình mới nhằm đảm bảo theo Bộ tiêu chí nông thôn mới. Vừa qua, để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt, huyện đã hỗ trợ trên 187 triệu đồng để đào 4 giếng nước cho người dân làng tái định cư ở xã Ia Rsai.
Một khó khăn nữa hiện nay là người dân vùng tái định cư vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực tái định cư nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. “Mong các cấp quan tâm, đầu tư thêm hạ tầng để bà con sinh hoạt, làm ăn thuận tiện hơn”-ông Ksor Tơ Lía-Trưởng thôn Kting-đề đạt nguyện vọng. 
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm