Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Khám phá những tập tục, tính cách, trang phục… "không giống ai" của người xứ Đàng Trong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trải dọc bờ biển hơn 100 dặm, từ ranh giới với Chiêm Thành ở vĩ độ 11 cho tới vĩ độ 17 ranh giới với Đàng Ngoài, một bên giáp biển và bên kia giáp núi, người xứ Đàng Trong có đời sống khá kỳ lạ.


 

Hình ảnh xứ Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn - ẢNH: T.L
Hình ảnh xứ Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn - ẢNH: T.L



Những tập tục, tính cách, trang phục… “không giống ai” của người Đàng Trong, được tác giả Cristoforo Borri, một linh mục dòng Tên người thành Milan (Ý) - đến nơi này lần đầu tiên vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và ở lại đâu 5 năm - đã tiết lộ qua cuốn sách Xứ Đàng Trong (do NXB Tổng hợp TP.HCM và Omega ấn hành).

 

 Khán giả Đàng Trong xem hát qua tranh vẽ của John Barrow trong một cuốn sách in tại Anh năm 1806 - Ảnh: T.L
Khán giả Đàng Trong xem hát qua tranh vẽ của John Barrow trong một cuốn sách in tại Anh năm 1806 - Ảnh: T.L



Đầu tiên, mối quan hệ thứ bậc trong các quan hệ giao tiếp theo tôn ti trật tự: “Trong mỗi ngôi nhà, dù nghèo nàn thế nào thì người Đàng Trong cũng ngồi theo ba lối khác nhau: thấp nhất là quỳ gối trên một chiếc chiếu trải dưới sàn, và đây là lối mà những người ngang hàng ngồi, có nghĩa mọi người trong cùng một gia đình.; lối thứ hai là trải lên chiếu một tấm vải mỏng, đẹp dành cho những nhân vật quan trọng hơn; lối thứ ba là kê một chiếc bàn cao chừng ba gang tay và rộng hơn một chiếc giường, chỗ này chỉ dành cho các quan trấn thủ, quan lớn địa phương hay các bậc cao tăng đạo sĩ, bởi vậy mà cũng cho mời các cha ngồi lên đó”.

Nam giới để tóc dài như nữ giới

Trang phục của phụ nữ Đàng Trong thường rất kín đáo, dù cho thời tiết nắng nóng bao nhiêu đi chăng nữa, họ vẫn quyết tâm ăn mặc không để lộ ra một phần da thịt nào. “Họ mặc năm hoặc sáu lớp váy màu sắc khác nhau, lớp trong cùng dài... tới đất khá nặng nề, trịnh trọng đến nỗi không thể nhìn thấy bàn chân họ; lớp thứ hai ngắn hơn và cứ như vậy, người ta mặc nhiều lớp váy đủ loại và đây là y phục dưới thắt lưng thôi. Áo ngực thì họ dùng một tấm vải kẻ nhiều màu sắc, bên ngoài lại là tấm voan rất mỏng và xuyên thấu nên dù có che hết thì cũng nhìn thấy hoa văn cầu kỳ rất chỉnh chu, song lại vô cùng ăn ý..”, tác giả Cristoforo Borri mô tả chi tiết.

Còn đàn ông Đàng Trong ăn mặc thì cũng “hoa lá cành, lá hẹ” chẳng hề thua kém các chị em. Cristoforo Borri tiết lộ: “Họ quấn một tấm vải quanh thân thay cho quần chẽn, phần trên cũng được che bằng 5 hoặc 6 lớp áo dài và rộng bằng lụa rất mịn, nhiều màu, với cánh tay rộng như áo các linh mục. Từ thắt lưng trở xuống, người ta xẻ thành nhiều tà rộng rất đẹp nên khi di chuyển tất cả rung rinh và màu sắc hòa quyện, chỉ cần làn gió nhẹ thoảng qua là bộ xiêm y hệt như hàng ngàn chiếc lông công xòe ra…”.

Có một điều độc đáo hơn, nam giới ở Đàng Trong cũng để tóc dài như nữ giới, thường đội mũ, hiếm người có râu và phần nhiều đều không cạo râu. “Mốt” móng tay đàn ông để dài thịnh hành tại Đàng Trong để chứng tỏ đảng cấp, riêng giới quý tộc thì không cắt móng tay bao giờ, nhằm để phân biệt với tầng lớp bình dân và người lao động do tính chất công việc họ luôn phải cắt tóc, móng tay.

Vật dụng sở hữu như một món đồ trang sức của người Đàng Trong là quạt. “Cả nam và nữ đều cầm trên tay giống như chiếc quạt của các phu nhân châu Âu. Trong lễ tang nếu người châu Âu mặc đồ đen thì họ mặc đồ trắng. Đặc biệt, người Đàng Trong không mang tất giày, họ bảo vệ lòng bàn chân bằng một tấm da có dây lụa luồn qua ngón chân và vài chiếc nút giống như xăng-đan. Trước phòng khách của mỗi ngôi nhà họ đặt chiếc lu để rửa chân, ai mang dép thì để ngay ở đó rồi khi ra khỏi nhà lại mang đi. Họ làm vậy để không bị bẩn chiếu trải trên nền nhà”, sách đã dẫn cho biết.


 

Phong cảnh sông nước và thuyền bè của người Đàng Trong qua tranh vẽ xưa - Ảnh: T.L
Phong cảnh sông nước và thuyền bè của người Đàng Trong qua tranh vẽ xưa - Ảnh: T.L



Thường xuyên tổ chức tiệc tùng

Trong văn hóa ẩm thực, người ở xứ Đàng Trong còn có điểm khác lạ nữa là việc tổ chức tiệc tùng giữa hàng xóm láng giềng cứ diễn ra thường xuyên và kỹ lưỡng tới mức: “Dù nghèo thế nào chủ nhân đều sẽ bị coi là thiếu chu đáo nếu không dọn đủ 100 món ăn trên bàn cho thực khách. Ngoài ra, số lượng người tụ tập có khi 30 - 40 người, đôi khi đến 100 người, thậm chí hai trăm người là bình thường.

Với lượng thức ăn hàng trăm món mà có tiệc đãi tới 2.000 thực khách thì việc sắp xếp thức ăn hẳn gặp nhiều khó khăn không? Xin thưa là hoàn toàn... ổn: “Họ khéo léo sắp xếp những khúc mía thành những lâu đài nhỏ, mà mỗi tầng lại đặt một dĩa thức ăn ngon lành, bao gồm: hải sản, gia cầm, thịt thú rừng và thịt thú nuôi. Thường chủ nhân ăn trước các món ưu thích nhất và được các đầy tớ bậc cao nhất phục vụ. Sau đó đến lượt các đầy tớ bậc cao ăn để những hầu cận thấp hơn phục vụ, rồi tới lượt những hầu bàn ấy no nê xong, theo tục lệ cuối cùng phải dọn sạch đồ ăn mang về nhà chia cho con cái, hoặc cho người nghèo một cách vui vẻ và mãn nguyện. Bữa tiệc tùng nào cũng thường kết thúc có hậu như vậy”, sách Xứ Đàng Trong kể.

 

Theo Lê Công Sơn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm