Thời sự - Bình luận

Khẩn trương ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 20-10-2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên gia súc lần đầu được phát hiện tại tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, bệnh lây lan nhanh trong cả nước làm thiệt hại hàng ngàn con gia súc, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của người chăn nuôi.

Sau khi xuất hiện bệnh VNDC, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi phòng ngừa dịch bệnh. Tuy vậy, ngày 27-5-2021, tỉnh ta đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên và tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh có 1.663 con bò của 1.041 hộ ở 215 thôn, làng thuộc 50 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thành phố bị mắc bệnh VDNC, trong đó có 62 con chết và 362 con đã khỏi bệnh.

Huyện Đak Đoa thành lập các chốt kiểm soát tại khu vực có dịch bệnh VDNC trên địa bàn huyện. Ảnh Lê Nam
Huyện Đak Đoa thành lập các chốt kiểm soát tại khu vực có dịch bệnh VDNC trên địa bàn. Ảnh Lê Nam


Trước tình hình cấp bách của dịch bệnh, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp để khoanh vùng, dập dịch, hạn chế lây lan, đồng thời phân bổ kinh phí mua 40.000 liều vắc xin tiêm phòng bao vây các ổ dịch. Song song với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các tổ, đội công tác bám sát địa bàn, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng-chống dịch; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch. Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác chống dịch tại một số địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh trên đàn gia súc.

Theo thống kê đến tháng 4-2021, toàn tỉnh có 395.984 con bò và 14.411 con trâu. Nếu không kịp thời kiểm soát dịch bệnh VDNC thì dịch lây lan từ địa phương này sang địa phương khác là điều khó tránh khỏi vì nguồn lây bệnh chủ yếu từ ruồi, ve. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển gia súc mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, tinh dịch, qua tiếp xúc trực tiếp.

Để chủ động kiểm soát dịch bệnh thì công tác phòng dịch được đặt lên hàng đầu, bên cạnh việc chăm sóc hợp lý, phun thuốc diệt côn trùng, khử trùng tiêu độc định kỳ và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì tiêm vắc xin đang là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài trích ngân sách của tỉnh để mua vắc xin hỗ trợ người chăn nuôi thì việc các doanh nghiệp, người dân chủ động tiêm vắc xin cho đàn gia súc là hết sức cần thiết. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã tự mua vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 59.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC, chủ yếu tại các trang trại chăn nuôi lớn. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 19.958 hộ nghèo, trong đó có 86,7% là người dân tộc thiểu số; 30.004 hộ cận nghèo, trong đó có 80,03% là người dân tộc thiểu số. Với các hộ người dân tộc thiểu số thì một con bò hay trâu là tài sản lớn nhất (cũng có thể là duy nhất) để thoát nghèo nhưng chẳng may bị bệnh VDNC dẫn đến bị chết và tiêu hủy thì câu chuyện thoát nghèo ở thì tương lai rất xa với họ. Vậy nên việc chủ động kiểm soát dịch bệnh cũng chính là góp phần ổn định đời sống của người dân, tiến tới thoát nghèo theo kế hoạch chung của tỉnh. Không chỉ khi có dịch bệnh mà đây là việc làm thường xuyên của các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và PTNT.

Bùng phát dịch bệnh VDNC trên gia súc đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ e dè trong việc lựa chọn thịt gia súc làm thực phẩm. Tuy chưa có minh chứng thực phẩm chế biến từ thịt gia súc bị VDNC làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nhưng việc tiêu thụ gia súc đã chết do dịch bệnh là vi phạm quy định của pháp luật. Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở đã hướng dẫn hộ chăn nuôi ký cam kết không bán chạy, không vứt xác gia súc chết ra môi trường, tuân thủ hướng dẫn phòng-chống dịch của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

Động viên người chăn nuôi thực hiện đúng cam kết là việc làm thiết thực nhằm nâng cao ý thức người dân vì sức khỏe của con người, nhưng các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở cũng cần bám sát việc thực hiện theo cam kết đã ký. Giá trị kinh tế của gia súc không hề nhỏ nên việc họ lén lút giết thịt bán ra thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra hoặc vứt xác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường sống.

Cùng với đó, cần có sự hỗ trợ kịp thời đối với những gia đình không may có gia súc bị bệnh dẫn đến chết và tiêu hủy để họ có điều kiện tiếp tục làm ăn phát triển kinh tế.

 

MINH THI
 

Có thể bạn quan tâm