Khẳng định một nền báo chí toàn diện, chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 3 giải A, 6 giải B, 9 giải C và 12 giải khuyến khích chia đều cho 3 loại hình báo chí: Báo in, báo nói và báo hình là thành quả vô cùng xứng đáng cho những nỗ lực làm việc của các nhà báo trong suốt hơn một năm qua được vinh danh tại lễ trao thưởng Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ I. Các tác phẩm đoạt giải lần này được đánh giá là đồng đều về chất lượng, có tính phát hiện, có tầm ảnh hưởng xã hội cao và thể hiện tính chuyên nghiệp, hấp dẫn.
 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Đây là phần thưởng dành cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh-nhà báo Lê Hoàng Trung-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai, thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ I đặc biệt nhấn mạnh.

Đa thanh sắc

Theo nhà báo Lê Hoàng Trung-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai, thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí tỉnh lần thứ I, bên cạnh sự tham gia tích cực của Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; Đài Truyền thanh-Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố cũng đã mạnh dạn gửi nhiều tác phẩm dự thi. Hội đồng sơ khảo đã thống nhất chọn 96 tác phẩm báo chí (gồm 37 tác phẩm báo viết, 30 tác phẩm báo hình, 29 tác phẩm báo nói) vào vòng chung khảo.

 

Đồng chí Đoàn Minh Phụng-Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai trao giải thưởng cho tác giả đạt giải. Ảnh: Đ.T
Đồng chí Đoàn Minh Phụng-Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai trao giải thưởng cho tác giả đạt giải. Ảnh: Đ.T

Các tác phẩm dự giải lần này luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, đã phản ánh kịp thời và khá đầy đủ về thực tiễn sinh động trong đời sống xã hội và sự phát triển của kinh tế tỉnh nhà trong giai đoạn hội nhập, về những nhân tố mới, tấm gương người tốt-việc tốt, gương điển hình trong cuộc sống; đặc biệt là trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Đồng thời, các tác phẩm đã tích cực đấu tranh chống những âm mưu, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bám sát cuộc sống, phản ánh những bức xúc trong xã hội.

Cùng với các tác phẩm dự giải của nhà báo đã thành danh như: Ngọc Tấn, Thanh Phong, Duy Danh, Huy Cường, Hồng Thanh… Giải báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ I đã xuất hiện những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà báo trẻ sung sức, có hoài bão và có kỹ năng làm báo hiện đại. Đó là các tác phẩm: Tháng Tư ở Côn Đảo của Tiến Dũng, Tự tử và những hệ lụy của Hoàng Ngọc, Bảo hiểm xã hội: Từ sai phạm đến sai phạm của Trần Hiếu (báo in); Hạnh phúc không tật nguyền của Mỹ Tiến, Bức xúc trong luân chuyển giáo viên ở Chư Sê của Hòa Giang và Thiên Thanh (báo nói); Krông Pa tái diễn nạn vận chuyển gỗ lậu của Nhật Thành và Viễn Khánh, Sông Ba kêu cứu của Mỹ Dung-Phương Thanh và Đình Thị (báo hình)…

Là người được nhận giải B với tác phẩm Nơi đầu sóng thiêng liêng-loạt phóng sự ý nghĩa về Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nhà báo Phương Duyên (Báo Gia Lai) nhớ lại những vất vả trong quá trình tác nghiệp ở Trường Sa của mình: “Có lẽ hành trình ra thăm Trường Sa vào tháng 12 hàng năm là gian khó nhất, bởi đúng mùa bão tố, kéo dài trong suốt một tháng trời. Cánh phóng viên dường như không còn chút sinh khí nào khi con tàu bắt đầu chênh chao dữ dội trước những đợt sóng lớn từ hai bên mạn tàu dội vào và sóng từ dưới dội lên. Nhiều người không ăn uống được gì. Vất vả là vậy nhưng mỗi phóng viên buộc phải thích nghi để có thể tác nghiệp hiệu quả nhất…”.

Điểm đến: Chân-Thiện-Mỹ

Kể cùng tôi quá trình làm seri ký sự Nơi ngọn nguồn cách mạng-một trong những tác phẩm được Hội đồng chung khảo đánh giá có chất lượng cao nhất (đoạt giải A-báo hình) khi đã đáp ứng không chỉ những yêu cầu nghiêm ngặt về xây dựng kịch bản, lời bình, hình ảnh… mà còn chạm được đến chiều sâu cảm nhận của người xem về một vùng đất mang nhiều dấu ấn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà, qua đó thể hiện rõ mục đích tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nhà báo Đặng Huy Cường-Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai không giấu niềm vui: Quay về quá khứ hào hùng của cách mạng Gia Lai trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc-quay về để tri ân, để thêm một lần ghi nhận tấm lòng thủy chung son sắt của đồng bào Bahnar ở mảnh đất Kbang; quay về để cảm nhận đầy đủ nhất cuộc sống đổi thay, phát triển một cách nhanh chóng của vùng căn cứ, từ đó đặt ra vấn đề bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho thế hệ trẻ… là một trong những vấn đề từ lâu nhóm làm phim chúng tôi muốn đề cập đến.

Bởi vậy, chúng tôi rất vui khi Nơi ngọn nguồn cách mạng được đánh giá cao tại Giải báo chí tỉnh lần thứ nhất này. Có một điều thú vị là ngay từ khi bắt tay vào quay những cảnh đầu tiên của loạt ký sự, chúng tôi đã nhận được không ít những tình cảm ấm nồng và sự giúp đỡ tận tâm của đồng bào nơi đây. Điều này đã khiến chúng tôi gắng sức làm việc, sao cho khi đến với khán giả, Nơi ngọn nguồn cách mạng chính là tấm lòng của nhóm tác giả chúng tôi gửi đến mọi người.

Cũng đoạt giải A, nhưng của loại hình báo in, tác phẩm Bước chân về hướng mặt trời của nhà báo Ngọc Tấn (Báo Nông thôn ngày nay) như là một bức thông điệp giàu ý nghĩa về cuộc sống. Từ câu chuyện của một người có gần hai chục năm đeo lon trung úy ngụy, là người từng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời cơm tại dinh Độc Lập dịp về Sài Gòn an dưỡng; sau này có một thời gian còn bị bọn FULRO mua chuộc, lôi kéo nhưng lại có một lòng hướng thiện, khi cách mạng thành công đã ra trình diện và xin được đi cải tạo đầu tiên để làm lại cuộc đời, trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội; nhà báo Ngọc Tấn đã thực sự thấu hiểu những nỗi niềm giằng xé của nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật khi anh ghi lại những lời kể của nhân vật bằng những đoạn văn chất ngất nỗi niềm.

Rồi, cũng con người ấy, khi nhận được sự khoan hồng của cách mạng, họ đã thực sự thay đổi, trở thành một người luôn hết lòng vì công việc, hết lòng vì mọi người, sống một cuộc sống vui vẻ, có ích. Thì ra, “con người ta một khi cảm nhận được cuộc sống có ý nghĩa thì tuổi già đến chậm”. Thì ra, “quá khứ đối với những người được chế độ cũ nuôi dưỡng chẳng dễ gì gột rửa. Mình không tìm cách tẩy xóa mà đứng trên nó để tìm ra lẽ phải, làm nên việc có ích cho đời…”. Chuyển tải trọn vẹn, trung thực, đầy đủ những lời của nhân vật nói với mình, phải chăng đây cũng là những điều mà nhà báo Ngọc Tấn muốn gửi đến độc giả!

Không chỉ trong Nơi ngọn nguồn cách mạng, không chỉ trong Bước chân về hướng mặt trời mà trong hàng loạt các tác phẩm dự giải khác như: Về miền căn cứ, Những cây kơ nia của buôn làng, Hạnh phúc không tật nguyền, Đak Trôi đường về không còn xa… cũng đậm chất nhân văn. Hay nói một cách khác, đây là những bài báo vì con người. Và tôi tin, những tác phẩm như thế này sẽ có một sức sống bền lâu trong lòng công chúng.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm