Khất thực- Nét văn hóa độc đáo của người Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ngày ở Lào, tôi có nhiều buổi theo chân các nhà sư đi khất thực quanh phố Pakse, tỉnh Champasak. Mỗi buổi sáng, khoảng 6 giờ, các nhà sư tập trung tại ngôi chùa lớn Wat Luang ở đầu cầu Pakse. Sau khi ổn định vị trí, các nhà sư bắt đầu khất thực quanh phố. Đi đầu là các “hủa chua” (những sư tu lâu năm) và các “a chang” (sư thầy), sau đó là các sư trẻ, tì kheo, sa di. Tất cả đều không mang giày dép. Đến mỗi ngã tư, ngã ba, đoàn khất thực lại chia nhỏ để tỏa về các xóm.
Theo truyền thống của Phật giáo Nam tông, mỗi buổi khất thực các sư không đi quá bảy nhà, lần lượt thứ tự mà đi, không phân biệt khu vực giàu nghèo, thức ăn ngon dở; không bỏ sót nhà nào, không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, không đứng trước cửa chợ. Bình bát thường làm bằng gốm sứ tráng men, không được làm bằng các kim loại quý, làm bằng đồng hoặc mạ bạc, có dây đeo và nắp đậy bằng vải.
Các nhà sư đi khất thực. Ảnh: K.N.B
Các nhà sư khất thực. Ảnh: K.N.B
Người dân quỳ bên đường chờ sẵn hoặc đặt lễ vật lên một chiếc bàn nhỏ trước cửa mỗi nhà để dâng lễ vật (gọi là “xăng cà vai”). Họ thường khoác “cà piêng” (một tấm vải mang chéo qua người, thêu hoa văn rất đẹp, được coi như áo tràng của người Việt) và không mang giày dép để thể hiện lòng thành kính. Lễ vật thường là xôi, trái cây, bánh các loại, nước lọc hoặc các thức ăn chín, để các sư độ nhật trong ngày. Không được dâng các lễ vật sống, các thức ăn chiên xào và tiền. Các sư thầy đến nhận đồ khất thực và không quên cầu nguyện, ban phước cho mọi người. Nước dâng lễ được tạt xuống đất hoặc vào cây cối như gửi tới người đã khuất những lời thỉnh nguyện an lành. Sau khi đi đủ một vòng quanh phố, các sư tập trung về chùa dùng bữa sáng.
Mỗi ngày, các sư chỉ ăn một bữa duy nhất trước khi trời đứng bóng. Vật phẩm khất thực thường được chia ra làm bốn phần: Phần nhường cho các sư đồng tu nếu họ không có hay có ít, phần dành cho người nghèo, phần dành cho con vật sống chung như chó, mèo và phần còn lại dành cho người khất thực dùng. Khi dùng thức ăn, người tu hành chỉ xem đó là việc duy trì sự sống, không ham ngon, không bỏ dở. Từ đó cho đến trưa hôm sau, các sư thầy tham gia các hoạt động thiền định, lễ bái, học tập, rèn luyện thân thể mà không được ăn uống, kể cả sữa; chỉ uống nước lọc, có thể ngậm kẹo nhưng không được nhai.
Ngày đầu tháng, các sư không đi khất thực mà người dân vào chùa dâng lễ (gọi là “kò vạt”). Mỗi người mang vật dâng lễ trong một chiếc bát lớn, thắp nhang đèn đặt trước mặt và cùng cầu nguyện với các sư. Trước khi vào chánh điện, họ chỉnh đốn lại trang phục và nhất thiết phải mặc “cà piêng”. Các cao tăng tọa thiền tại vị trước chánh điện, người dân dâng lễ vật trực tiếp cho các vị ấy. Các sư trẻ đặt bình bát trên một chiếc bàn dài, người dâng lễ xếp thành hàng, lần lượt bỏ các vật phẩm vào từng bình bát. Sau buổi lễ, các sư trẻ tự xuống lấy bình bát của mình.
Khất thực là một trong nhiều hình thức tu tập của người theo đạo Phật có từ khi Phật Thích Ca khai sáng. Truyền thống này giúp cho người tu hành vừa độ nhật vừa bỏ lòng sân si, tâm kiêu căng, ngã mạn và gián tiếp tạo công đức cho người cúng dường vật phẩm. Ở Lào, khất thực trở nên một nếp sinh hoạt quen thuộc với mỗi người dân. Đây là một nét văn hóa độc đáo của đất nước Phật giáo hiền hòa, yên bình này.
Nguyễn Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm