Phóng sự - Ký sự

Khát vọng Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đỉnh đèo nhìn xuống, xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) hiện ra trước mắt trong màu vàng võ của cây cối, trơ trọi đất đá trên cánh đồng Tung Ke. Vậy nhưng, nửa ngày ở xã nghèo một thuở, tiếp xúc với nhiều người dân, tôi vỡ lẽ: Ayun trù phú không còn xa!

Một thuở đất khô, người đói

Bẵng 5 năm tôi mới có dịp trở lại Ayun, dù chỉ cách thị trấn Chư Sê chừng 15 km. Lời đáp cho sự “mất hút” ấy chính là những ám ảnh về một thung lũng với thời tiết khắc nghiệt cùng những bữa cơm không đủ no giữa mùa giáp hạt của người dân trong xã. Dạo ấy, gặp tôi ở mấy thửa ruộng bậc thang của gia đình tại cánh đồng làng Keo, anh Đinh Hnơi hốc hác, gầy gò, trông như người già, dẫu anh sinh năm 1980.

Dân Ayun đánh cá trên lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Nguyễn Tú
Dân Ayun đánh cá trên lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Nguyễn Tú


Tôi nhớ, lúc đó, khi nghe hỏi về năng suất lúa, anh Hnơi lảng sang chuyện khác. Dò hỏi nhiều lần thì anh mới thật thà nói: “Mang tiếng sinh sống ở xã có dòng sông Ayun vắt ngang và hồ Ayun Hạ rộng mênh mông nhưng mấy cánh đồng không có nước tưới. Do vậy, mỗi năm, dân làng chỉ gieo trồng được 1 vụ lúa 6 tháng. Trời báo chuyển mùa, mọi người lục tục ra đồng đổi công làm đất, mưa xuống thì gieo hạt và chờ đợi thu hoạch. Đất đai cằn cỗi lại thêm thời tiết nắng nóng nên 1 ha lúa chỉ thu được tầm 25-30 bao/vụ. Thời gian còn lại thì đồng để không cho nắng chiếu đến nứt nẻ đất. Vì nhà đông người nên chẳng bao giờ đủ lúa ăn, đến thời điểm giáp hạt là thiếu đói. Vợ chồng mình phải thay phiên vào rừng, lên rẫy thu lượm lâm sản, đào củ mài, hái lá về nấu cho con cái ăn qua ngày”.

Thời kỳ đó, A Chông chưa nhập với Pă Leng ở khu tái định cư mới để thành 1 làng. Mấy chục nóc nhà dựng ở triền một ngọn đồi cạnh sông Ayun. Đến mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, dòng Ayun hung hãn tràn bờ, cuốn nhà cửa, gia cầm và cả người trôi về phía hạ du. Dân làng luôn nơm nớp nỗi lo mỗi khi lũ về. Lại nhớ một mùa mưa trước năm 2017, nghe tin lũ lớn ở xã Ayun, tôi vội về đây. Sau lũ, một phần quả đồi bị sạt lở, đất đá tràn xuống cuốn theo mấy ngôi nhà. Già Đinh Chaih thất thần nhìn mấy nóc nhà chìm nổi trong dòng nước Ayun đục đỏ rồi kể: “Cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng người hô hoán lẫn với nước mưa, sét đánh là ngọn đồi bị sạt lở. Chúng tôi chạy ra ngoài được một lúc thì đất tràn xuống đẩy ngôi nhà ra giữa sông. Đồ đạc trong nhà với 1 con bò bị cuốn trôi. Cả làng mình muốn dời đi nơi khác mà có được đâu, thiếu đất và tiền”.

 Công trình thủy lợi Plei Keo dẫn nước về tưới mát những cánh đồng ở xã Ayun. Ảnh: Nguyễn Tú
Công trình thủy lợi Plei Keo dẫn nước về tưới mát những cánh đồng ở xã Ayun. Ảnh: Nguyễn Tú


Ayun nổi tiếng là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất của tỉnh, nhất là vào mùa khô. Vừa xuống khỏi đèo Ayun đã nghe hơi nóng trong từng kẽ lá. Mồ hôi chưa kịp túa ra đã vội khô. Đây cũng là một nguyên nhân kéo dân Ayun về phía đói nghèo. Ánh nắng thiêu đốt da thịt, dân làng ngại ra đồng. Họ tụ bạ dưới mấy gốc cây trong làng rồi lại mang gạo ra mấy tạp hóa cận kề đổi rượu về uống. Không khó để gặp cảnh người xiêu vẹo bước đi trong nắng hay ngủ vùi dưới bóng cây sau bữa rượu với mấy lát đu đủ trộn ớt. Nhiều hệ lụy kéo theo đó. Có lần, thanh niên 2 làng dàn trận đánh nhau khiến lực lượng chức năng của tỉnh phải vào cuộc mới hóa giải được. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chăm chỉ làm ăn, không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước được triển khai dưới nhiều hình thức nhưng chỉ là gió thoảng qua tai. Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Phạm Ngọc Tuấn cung cấp cho tôi một vài con số để minh chứng cho sự nghèo đói của xã trong diện đặc biệt khó khăn mấy năm trước. Đơn cử như năm 2017, xã có 14 thôn, làng với 807 hộ. Trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 98,7%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7,8 triệu đồng/năm, bằng 1/5 so với bình quân toàn tỉnh và bằng 1/6 so với toàn quốc. Trong khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm 88%. Xã đạt 4/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ấy vậy mà nay Ayun đã khác! Đó là khi công trình thủy lợi Plei Keo được đưa vào sử dụng cuối năm 2019. Món quà ý nghĩa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng cho xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã tạo “cú hích” cho Ayun. Ngoài ra, còn là sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh với một số dự án nông nghiệp, chương trình định canh định cư với mục đích đưa Ayun thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, cán đích nông thôn mới vào năm 2023. Giờ đây, những thôn, làng dưới thung lũng Ayun đang bừng sắc thái mới.

Những gương mặt người đã ấm

10 giờ trưa, nắng như thiêu đốt, vậy nhưng, ở cánh đồng làng Vơng Chép, hàng chục người dân vẫn cần mẫn làm việc. Trong thửa ruộng còn in dấu máy ủi của gia đình Đinh Păt, 10 con người đang chăm chỉ san gạt đất cho bằng phẳng. Anh Păt tâm sự: Nhà anh có 2 ha lúa ở cánh đồng này. Trước đây, nó là ruộng bậc thang, mỗi thửa chỉ rộng bằng 3 chiếc chiếu. Năm nay, huyện có chủ trương hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để san gạt cho bằng phẳng thành những thửa lớn, gia đình mình hưởng ứng ngay. Công ủi 2 ha ruộng hết 20 triệu đồng, Nhà nước cho một nửa. Nhà anh đã san gạt và gieo xong 1,3 ha, lúa lên xanh tốt. Mấy hôm nay, anh đổi công để gạt nốt 7 sào, chuẩn bị gieo trồng. “Từ khi có nước thủy lợi Plei Keo, huyện triển khai dự án hỗ trợ bà con trồng lúa nước, làng mình bắt đầu làm lúa 2 vụ, cho năng suất cao. Ví như 7 sào ruộng này, trước chỉ có hơn 20 bao lúa thôi, còn vụ Đông Xuân năm 2019-2020 được 68 bao. Từ năm 2019 đến nay, nhà nào cũng được mùa, lúa chất đầy nhà, có tiền dư để mua sắm thêm vật dụng trong nhà. Mình đang làm theo chủ trương san gạt đồng ruộng của huyện với niềm tin cây lúa sẽ được mùa. Khi ủi xong, ruộng bằng phẳng, ít bờ thửa, đất đai tơi xốp hơn và sẽ tiện cho việc gặt hái bằng máy móc”-anh Păt hồ hởi nói.

Gia đình anh Đinh Păt đổi công với dân làng để làm đất sau san ủi đồng ruộng và chuẩn bị gieo trồng. Ảnh: Nguyễn Tú
Gia đình anh Đinh Păt đổi công với dân làng để làm đất sau san ủi đồng ruộng và chuẩn bị gieo trồng. Ảnh: Nguyễn Tú


Tôi gặp lại anh Đinh Hnơi tại cánh đồng làng Keo. Nét vui hiện trên khuôn mặt của “đại gia” mới nổi của làng. Anh chia sẻ: “Gần 3 năm làm lúa nước 2 vụ, nhà tôi có của để dành rồi đấy. Mua được cả ti vi, xe máy xịn nữa rồi. Như năm ngoái, 1 ha ruộng, vụ mùa thu được 70 bao, mỗi bao nặng 70 kg, gần gấp 3 ngày trước, tiền cũng nhiều hơn. Nhận thấy hiệu quả từ cây lúa nước, cuối năm 2021, tôi tiên phong bỏ mấy chục triệu đồng để san gạt 2 ha ruộng cho bằng phẳng, rộng rãi. Một số hộ cũng tự bỏ tiền làm. Tôi cũng mới mua thêm 2 ha rẫy để trồng mì từ tiền lời mấy vụ lúa đấy”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ayun chở tôi đến thăm khu tái định cư mới của làng A Chông. Trên khu đất bằng phẳng rộng 3,4 ha, 2 dãy nhà của 18 hộ dân dựng san sát nhau. Ngồi trong hiên nhà nhìn nắng vàng rọi trên đường bê tông phẳng phiu xẻ dọc giữa làng, già Đinh Chaih không giấu được niềm vui. “Ra đây ở, đêm nào mình cũng ngủ ngon giấc, không còn chập chờn như trước. Dân làng mình cũng vui hơn trước nhiều. Mọi người chăm chỉ làm ăn hơn, không bê tha rượu bia như trước nữa đâu. Họ còn biết trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn đó. Trưa nay mời nhà báo ở lại ăn bữa cơm gạo mới nhé”-già Chaih phấn khởi.

Hai bên con đường độc đạo dài hơn 5 km từ làng Keo về trụ sở UBND xã, những thửa ruộng ăm ắp nước xanh ngát một màu. Từng tốp nông dân trở về nhà nghỉ trưa sau buổi làm đồng. Chốc chốc lại có chiếc xe ô tô chở mì lặc lè chạy về hướng trung tâm xã. Ở một góc hồ thủy lợi Ayun Hạ, dân vạn chài sửa soạn ra khơi đánh cá. Tiếng chuyện trò rộn ràng một vùng.

Dời về khu tái định cư mới, dân làng A Chong không còn nỗi lo bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Nguyễn Tú
Dời về khu tái định cư mới, dân làng A Chong không còn nỗi lo bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Nguyễn Tú


Khi nghe tôi đề nghị nhận xét về những đổi thay của Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Phạm Ngọc Tuấn cho hay: Mấy năm nay, xã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là đời sống của bà con khởi sắc. Cuối năm 2021, thu nhập bình quân của người dân là 29,2 triệu đồng. Đến quý I-2022 đã nâng lên 36,3 triệu đồng/người. Dân làng cũng chăm chỉ làm ăn hơn. Xã cũng đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới và đang phấn đấu về đích vào năm 2023. Có được điều này là từ hiệu quả của công trình thủy lợi Plei Keo và các dự án nông nghiệp của huyện, tỉnh được triển khai đến tận hộ dân. “Tới đây, khi hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng thêm để dẫn nước về cánh đồng làng Tung Ke và san ủi xong ruộng đồng, đời sống của dân cư trong xã sẽ có thêm bước tiến mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng của huyện triển khai dạy nghề nông thôn cũng như các mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập của người dân”-ông Tuấn dự định.
 

 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm