Kinh tế

Khi “4 nhà” tìm được tiếng nói chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mía là một trong những loại cây trồng chủ lực giúp nông dân các huyện phía Đông Nam tỉnh xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhờ ổn định năng suất, sản lượng và được bao tiêu sản phẩm nên những năm gần đây, diện tích mía không ngừng tăng lên. Kết quả đó là nhờ có sự phối hợp hiệu quả từ “4 nhà”: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. 

Làm giàu từ trồng mía

Mấy năm gần đây, mía được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững trên đồng ruộng vùng Đông Nam tỉnh. Nhờ trồng mía, hàng ngàn nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Bà Nguyễn Thị Nhiễu, ở xã Pờ Tó, huyện  Ia Pa sở hữu trang trại mía lên đến 100 ha, thu nhập mỗi năm 4-5 tỷ đồng. “Gần 20 năm gia đình tôi thăng trầm cùng cây mía, giai đoạn đầu cũng gặp không ít khó khăn về đầu ra, năng suất. Nhưng những năm gần đây, đầu ra và giá mía tương đối ổn định nên với gần 100 ha mía, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 3 tỷ đồng. Cây mía đã giúp thay đổi cuộc sống của gia đình tôi”-bà Nhiễu nói.
 

Thu hoạch mía trên cánh đồng Chư Gu, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: Đức Phương
Thu hoạch mía trên cánh đồng Chư Gu, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: Đức Phương

Trong vụ mía 2012-2013, diện tích mía trồng mới tại các huyện phía Đông Nam tỉnh tăng lên hơn 1.550 ha, nâng tổng diện tích trên toàn vùng lên 8.400 ha. Sự tăng diện tích liên tục qua các năm vừa qua nằm trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu mía tại các huyện phía Đông Nam tỉnh của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ mía năm 2012-2013, dù điều kiện thời tiết đầu vụ không thuận lợi, do có đợt nắng hạn kéo dài nên năng suất mía dự kiến ở mức 65 tấn/ha, nhưng nông dân vẫn thu lãi lớn khi giá mía nhà máy đường ký hợp đồng bao tiêu ổn định ở mức cao (đầu vụ giá mua mía tại ruộng 900.000 đồng/tấn, đối với loại 10 chữ đường; năm nay đầu vụ mía đã đạt 11 chữ đường), 1 ha mía nông dân thu về 60 triệu đồng đến 63 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư vào khoảng từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ha, nông dân thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha.       

Hiệu quả cao nhờ gắn kết “4 nhà”

Nông dân đặt trọn niềm tin vào cây mía chính là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ của “4 nhà”. Về phía Nhà máy đường Ayun Pa, trong các vụ mía gần đây đã liên tục có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư, thu mua hết sức thuận lợi để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mía. Vụ mía năm 2012-2013, Nhà máy đã hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng mía hàng đôi theo kỹ thuật mới và áp dụng cơ giới hóa trên 500 ha.

Kỹ sư Vũ Thị Lan-Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu (Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai) cho biết: Kỹ thuật trồng mía hàng đôi là kỹ thuật canh tác mía tiên tiến nhất thế giới đang được áp dụng ở Thái Lan. Trồng mía hàng đôi kết hợp áp dụng cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía sẽ nâng cao năng suất, chất lượng, giải phóng được nhiều công lao động, tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản xuất từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân, tạo lợi thế cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác. Cụ thể, mía trồng theo phương pháp mới sẽ đạt năng suất bình quân 80 tấn/ha (tăng hơn cách cũ 15 tấn), trong khi đó chi phí chỉ mất 30 triệu đồng/ha (giảm gần 14 triệu đồng) do đó lợi nhuận sẽ đạt 50 triệu đồng/ha, tăng hơn cách trồng mía cũ 20 triệu đồng.

Song song với đó, Công ty còn ký hợp đồng đầu tư với định mức 25 triệu đồng/ha đối với mía trồng mới và 15 triệu đồng/ha đối với ruộng mía chăm sóc; ngoài ra để tăng năng suất và chất lượng mía, công ty đầu tư bổ sung phân bón với định mức 4 triệu đồng/ha. Tính chung các khoản đầu tư cho vụ ép 2012-2013 là 115,6 tỷ đồng. Hỗ trợ nông dân mua máy cơ giới để canh tác mía hơn 10 tỷ đồng. Hỗ trợ làm đường vận chuyển mía từ ruộng ra đường lớn; hỗ trợ bảo lãnh chữ đường đối với mía xanh đầu vụ và mía cháy… Công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu mua mía nguyên liệu với hơn 3.000 hộ trồng mía trong vùng nguyên liệu đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân và là một bảo chứng để nông dân tin tưởng, hợp tác làm ăn lâu dài với nhà máy.  

Cùng với việc đưa vào các bộ giống mía mới có năng suất, chữ đường vượt trội như K84-200, k88-92 làm chủ lực; quá trình nhân rộng mô hình trồng mía hàng đôi và cơ giới hóa là phù hợp với định hướng phát triển của nhà máy. Đến vụ ép 2014-2015, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai sẽ nâng công suất lên 6.000 tấn mía cây/ngày, vùng nguyên liệu sẽ đạt 12.000-13.000 ha. Lúc đó việc thu hoạch mía bằng thủ công như lâu nay sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu mía nguyên liệu phục vụ dây chuyền ép của nhà máy mà phải thu hoạch mía bằng dàn máy tự động.

Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết: “Năm nay, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía, Công ty kết hợp với các huyện để tăng diện tích mía lên thêm gần 2.200 ha. Dù vậy, nguồn nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng khi Nhà máy tăng công suất hoạt động. Chúng tôi luôn kết hợp chặt chẽ với nông dân và cơ quan liên quan các huyện để đảm bảo vùng nguyên liệu và đem lại hiệu quả cho cả nông dân và Nhà máy…”.

Cùng với đó, vai trò của Nhà nước trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía khu vực phía Đông Nam tỉnh cũng rất tích cực. Theo ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: “Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo và vận động nông dân chuyển đổi những loại cây trồng không hiệu quả, không ổn định về thị trường sang trồng mía. Hiện nay, Nhà máy và nông dân đều đảm bảo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh đó nông dân được hỗ trợ nhiều mặt từ Nhà máy đường Ayun Pa nên việc phát triển cây mía là điều cần thiết…”.

…Khi nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ thì nhà nông rất yên tâm đặt niềm tin vào cây mía. Chính vì thế, diện tích mía ít bị cuốn vào vòng xoáy “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như nhiều loại cây trồng khác.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm