(GLO)- Để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, nhiều công chức đã cố gắng tranh thủ thời gian làm thêm. Cho dù đó là công việc buôn bán nhỏ lẻ hay đầu tư kinh doanh lớn thì với họ đó không chỉ là để tăng thu nhập mà còn là niềm vui, niềm đam mê.
Làm dịch vụ và kinh doanh
Trước nay, khi nhắc đến chuyện làm thêm của công chức, người ta thường nghĩ đến việc “tăng gia sản xuất” bằng cách trồng rau, nuôi gà, nuôi heo… Tuy nhiên, không phải công chức nào cũng có nhiều đất để chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, những sản phẩm làm ra cũng chỉ đáp ứng một phần sinh hoạt trong gia đình, trừ những trường hợp công chức có diện tích đất rộng để làm rẫy, trồng tiêu, cà phê hoặc cao su mang lại nguồn thu lớn, nhưng tỷ lệ này khá ít.
Mở shop kinh doanh là công việc làm thêm của chị Lập. Ảnh: D.Q |
Để giải bài toán “tăng gia” không cần đất, nhiều người, nhất là công chức ở thành phố chọn giải pháp làm dịch vụ, bán hàng online, bán bảo hiểm, bán vé máy bay… Dù lao động chân chính, thế nhưng không phải ai cũng mạnh dạn nói về công việc làm thêm của mình. Chị Trần Thị Thơm-giáo viên dạy môn Giáo dục quốc phòng tại một trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku ngần ngại cho biết: “Môn dạy của mình thì chẳng thể dạy thêm nên để có thêm thu nhập mình cũng trăn trở lắm, loay hoay đủ nghề. Cuối cùng mình quyết định thuê nhà để bán đồ ăn. Buổi sáng bán bánh canh, mì Quảng, bún, còn buổi chiều bán bánh tráng trộn, nước mía… Tuy tiền lãi không nhiều, nhưng gia đình cũng có thêm một khoản thu nhập và đỡ được một phần chi phí ăn uống”.
Chọn công việc làm thêm là bán vé máy bay, chị Thanh Hải-một nhân viên văn phòng cấp sở chia sẻ: “Mình mới lập gia đình, vợ chồng trẻ lương công chức chẳng nhiều nhặn gì. Bán vé máy bay chủ yếu làm việc trên máy tính và điện thoại nên cũng khá phù hợp với nhân viên văn phòng như mình. Hơn nữa, mình có cô em là sinh viên mới ra trường hỗ trợ nên mỗi tháng cũng có thêm một khoản đáng kể”.
Không chỉ làm thêm để cải thiện đời sống, một số công chức năng động còn đầu tư kinh doanh để làm giàu, thậm chí còn tạo việc làm cho nhiều người khác. Là một công chức, thế nhưng với niềm đam mê kinh doanh, chị Nguyễn Thị Lập-Chủ shop Hà Nguyên (48 Wừu, TP. Pleiku) vẫn mạo hiểm đầu tư một cửa hàng quà lưu niệm, kinh doanh các mặt hàng “độc-lạ” từ hàng đặc sản, tượng mini, đồ dùng học sinh cho đến hàng trang sức, thời trang... “Giờ công việc kinh doanh đã dần đi vào ổn định, ngày càng được khách hàng quan tâm và ủng hộ. Sắp tới, mình sẽ mở thêm một shop khác trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) với một phong cách mới-vừa mua sắm vừa thư giãn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”-chị Lập cho biết.
Cân đối thời gian phù hợp
Công chức làm thêm không lạ, tuy nhiên công chức làm kinh tế vẫn là vấn đề khá “nhạy cảm”. Theo nhiều người thì nên có suy nghĩ “thoáng” hơn trong việc cán bộ, công chức làm thêm, vì thực tế nhiều công chức mới đi làm lương còn thấp, làm thêm vừa có thu nhập cải thiện, nâng cao đời sống vừa có thể giải tỏa stress, tránh những trò chơi vô bổ như chơi game, hay quá “nghiện” mạng xã hội... Tuy nhiên, họ cũng phải là người chịu khó, siêng năng và phải biết cân đối để vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc chính của mình.
Theo chia sẻ của chị Thơm, để việc làm thêm không ảnh hưởng đến công việc chính thì chị đã phải nhờ mẹ nấu nướng và trông quán, bản thân chị chỉ phụ bán lúc rảnh. Đồng thời, buổi tối phải chịu khó thức khuya để chuẩn bị hàng. “Không chỉ vậy, để có thể sống được bằng nghề “tay trái” thì mình cũng phải “dẹp” bớt sĩ diện. Nói thật, làm giáo viên ra ngoài buôn bán mình cũng ngại lắm, đôi khi học trò đến ăn mình phải nói vài câu giảm bớt tâm lý ngượng ngùng, kiểu như: “Sướng nhỉ, ở lớp cô bảo làm gì là phải làm ngay còn ở đây gọi gì là cô phải làm nấy”, sau đấy cô trò cùng cười khiến mình thấy công việc nhẹ nhàng hơn”-chị Thơm tâm sự.
Cũng có nhiều tâm tư ái ngại vì mang danh công chức mà lại làm thêm, chị Hải cho rằng: “Làm cùng lúc 2 việc chắc chắn sẽ vất vả hơn nhưng đây là công việc không chỉ mang lại cho mình nguồn thu nhập mà còn là niềm vui, niềm đam mê khẳng định bản thân nữa. Mình chỉ cố gắng làm sao để tránh ảnh hưởng, phiền toái đến cơ quan bởi không phải ai cũng hiểu và thông cảm”.
Quản lý tốt và thuê người làm giúp là cách chị Lập lựa chọn để có thể cân đối thời gian, đảm bảo vẫn hoàn thành việc cơ quan và việc làm thêm. “Mình đi làm cả ngày nên không có thời gian, hầu hết mọi công việc kinh doanh đều thuê nhân công, từ khâu sản xuất, vận chuyển, quản lý và bán hàng… Bí quyết thành công của mình là kinh doanh phải có uy tín và phải đặt mình vào vị trí của khách hàng”-chị Lập chia sẻ.
Dã Quỳ