Khi công chức nữ phải… leo cột điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 9-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND về việc quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị, xã hội ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, khi đi vào thực thi tại huyện Krông Pa, ở một số lĩnh vực đã xảy ra nhiều bất cập từ việc kiêm nhiệm theo quyết định trên.
 

  Hướng dẫn vận hành tại Đài Truyền thanh xã Ia Rsươm.                      Ảnh: Đức Mạo
Hướng dẫn vận hành tại Đài Truyền thanh xã Ia Rsươm. Ảnh: Đức Mạo

Chị Ksor HNái-cán bộ văn hóa kiêm phụ trách Đài Truyền thanh xã Ia Rsai, hàng ngày phải vượt hơn 80 km để đi làm và về nhà. Một quãng đường rất vất vả với ngay cả nam giới chứ nói gì đến phụ nữ. Chính vì vậy, sau khi đảm nhận công việc phụ trách Đài Truyền thanh một thời gian, chị HNái phải thuê nhà để ở lại chờ đến cuối tuần mới về nhà ở xã Krông Năng thăm chồng con. Thế nhưng, theo chị đó vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất. Vì đường xa thì còn khắc phục được, chứ việc phải tự sửa chữa khi thiết bị hư hỏng thì nhiều lúc phải… bó tay! Đa phần thiết bị treo ngoài trời, do mưa nắng nên dễ bị ôxi hóa dây loa, dễ gãy ăng ten thu sóng, cháy côn loa, hư các cụm thu FM và loa treo trên cột điện. Hỏng nặng nhất là khi bị chập điện, sét đánh cháy nguồn, cháy công suất, cháy bo hiển thị, điều khiển của cụm thu… “Mình là phụ nữ, không thể kiểm tra hết được mà có khi phải nhờ cán bộ kỹ thuật Đài huyện xuống kiểm tra mới xong”-chị HNái nói.  

Là cán bộ văn hóa ở xã Ia Rsươm được hơn 2 năm nay, nhưng chị Nguyễn Thị Hằng cũng không khỏi lúng túng khi được bố trí kiêm nhiệm việc quản lý và khai thác Đài Truyền thanh của xã. Chị tâm sự: Mặc dù đã được đi tập huấn về truyền thanh cơ sở nhưng chỉ được hướng dẫn về quản lý và cách vận hành. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ trực Đài Truyền thanh, chị gặp không ít những khó khăn, như thường xuyên phải đi sớm, về muộn, ngày nghỉ cũng phải làm, rồi khi hệ thống loa ngoài trời bị hỏng không kiểm tra được. Chị Hằng cho biết: “Từ khi được chuyển sang kiêm nhiệm Đài Truyền thanh, khó khăn lúc đầu là thời gian. Tiếp đó là khi máy móc hư hỏng, vấn đề lớn nhất là sửa loa ở các trụ điện”.  

Chị HNái và chị Hằng là hai trong số 4 công chức văn hóa nữ ở huyện Krông Pa đang phải đảm nhận công việc kiêm nhiệm, áp dụng theo Quyết định 20 của UBND tỉnh. Bất cập thể hiện ở chỗ, hoạt động của Đài Truyền thanh xã mang tính chất thường xuyên, đặc thù, yêu cầu về tính chuyên môn, kỹ thuật, ngoài thời gian làm việc từ sáng sớm, đến đêm tối và kể cả ngày nghỉ cuối tuần thì còn phải leo trèo cột điện, sửa chữa khi trang-thiết bị hỏng hóc... Vì vậy, một phụ nữ có giỏi và đa năng đến mấy thì cũng rất khó để hoàn thành tốt một công việc mang tính đặc thù như vậy.

Trao đổi với P.V, ông Phùng Anh Kiểm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy quyết định này khó khả thi. Bởi vì đặc thù lao động là nữ, do vậy việc vận hành đài đảm bảo được khung giờ theo quy định đã khó khăn rồi, thêm nữa là khắc phục những sự cố sửa chữa của Đài Truyền thanh khi hỏng hóc, chị em phải leo trèo là rất khó. Nên chăng chúng ta thành lập ban văn hóa xã, trong đó có các đồng chí là nam giới để hỗ trợ thêm chị em nữ đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ được giao”.   

Trên đây là những trường hợp bất cập xảy ra từ việc thực hiện Quyết định 20 của UBND tỉnh. Thiết nghĩ, để công tác kiêm nhiệm thực sự có hiệu quả, khi bố trí kiêm nhiệm thì cần xem xét cụ thể từng trường hợp, như vậy mới đem lại hiệu quả thực sự. Rất mong các ngành chức năng sớm tìm giải pháp phù hợp.

 Đức Mạo - Văn Chi

Có thể bạn quan tâm