Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Khi công chức, viên chức là "chúa chổm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy ngày gần đây, dư luận Gia Lai râm ran trước thông tin 3 công chức không đến cơ quan làm việc vì vướng nợ nần. Thực hư sự việc đang được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Tuy nhiên, việc “bỏ ngang” công việc một cách không minh bạch trong một thời gian đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cơ quan, thậm chí làm tổn hại đến hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC).

Thực ra, hiện tượng CB, CC, VC buộc phải bỏ việc, chuyển công tác, thậm chí bị kỷ luật với lý do nợ nần dây dưa đã lác đác xảy ra trong thời gian qua.

 

Ảnh minh họa

Cách đây khoảng 10 năm, không ít người bị “sốc” khi nghe thông tin một nữ giảng viên xinh đẹp của một trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh buộc phải chuyển công tác vào phía Nam sau khi đã cùng gia đình “khắc phục” khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Đến giờ, người ta cũng không hiểu vì sao người phụ nữ con nhà “đại gia” này nợ nhiều tiền, của nhiều người như vậy. Chỉ biết rằng, trong lúc khốn khó, chị có “vay nóng” của một số người với lãi suất “cắt cổ”. Do đó, khoản nợ ngày càng chồng chất. Có vay phải trả. Vì vậy, cả đại gia đình phải tham gia giải quyết “đống nợ” ấy. Tuy nhiên, vì không chịu nổi áp lực dư luận từ sự “nổi tiếng” của mình nên chị buộc phải chuyển công tác đi nơi khác để “làm lại cuộc đời”.

Cũng khoảng 10 năm về trước, một công chức được cho là có năng lực buộc phải chuyển công tác đi nơi khác vì liên quan đến chuyện nợ nần của bản thân và gia đình. Vợ anh này vốn là dân kinh doanh có tiếng ở Pleiku. Không rõ kinh doanh thế nào mà gia đình nợ nhiều người với khoản tiền khá lớn. “Mũi dại lái chịu đòn”, không đòi được nợ nên một số người rồng rắn kéo nhau đến “quậy” tại trụ sở cơ quan nơi chồng công tác. Vì chuyện nợ nần của gia đình một công chức mà cả cơ quan xôn xao, mệt mỏi.

Mới đây, cũng vì lý do lánh nợ nên một cán bộ lãnh đạo cấp xã ở huyện Ia Grai đã không đến trụ sở cơ quan trong một thời gian. Theo quy định, CB, CC, VC bỏ việc cơ quan thì phải bị xử lý. Kết cục, vị cán bộ này bị xử lý với hình thức cảnh cáo và sau đó làm đơn xin thôi việc.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nần của CB, CC, VC. Có người tham gia kinh doanh hoặc góp vốn kinh doanh nhưng làm ăn thua lỗ, phải vay tiền bên ngoài với lãi suất cao, dẫn đến nợ nần kéo dài. Số khác vay mượn xây cất nhà cửa nguy nga, mua sắm tài sản đắt tiền… trong khi nguồn thu nhập lại hạn hẹp. Do đó, họ buộc phải vay mượn với số tiền lớn, lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng trả nợ. Đáng chú ý, một số người vì muốn “phất” nhanh nên trót tham gia cá độ bóng đá, chơi số đề, đánh bạc. “Cờ bạc là bác thằng bần”, kết cục của trò chơi này là mất sạch tài sản, nợ nần chồng chất, gia đình ly tán…    

Có thể nói, tình trạng nợ nần trong CB, CC, VC chưa đến mức trầm trọng nhưng rất đáng quan ngại. Trong thực tế, bất kỳ ai nếu mang gánh nặng nợ nần thì không thể toàn tâm, toàn ý cho công việc. Mặt khác, các “chúa chổm” này đã làm tổn hại đến hình ảnh của CB, CC, VC trong mắt người dân. Đặc biệt, việc nợ nần rất dễ lôi kéo CB, CC, VC đi vào con đường tiêu cực, tham nhũng.

Để giảm thiểu tình trạng nợ nần trong CB, CC, VC, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường quản lý nguồn tài sản, thu nhập, kể cả các khoản nợ của họ. Cùng với đó, cần giáo dục cho CB, CC, VC về ý thức cần kiệm liêm chính, biết giữ gìn hình ảnh trước đồng nghiệp và người dân.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm