Khi doanh nghiệp và người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, hiện nay Gia Lai có 1.085 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và 64.233 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp và người lao động đang cùng chịu chung tình cảnh, nhất là những doanh nghiệp sản xuất và trồng cao su. Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp làm cao su đã có những giải pháp tích cực là quan tâm hơn nữa đến các chế độ quyền lợi để giữ chân người lao động, trong đó có Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông.

Thực hiện đúng chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định, người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%, còn lại Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1%. Sau khi người lao động đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật sẽ được hưởng chế độ trợ cấp BHTN.

Qua 5 năm (từ ngày 1-9-2009 đến nay), chính sách BHTN đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực cho người lao động trong hoàn cảnh mất việc làm và giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Bởi BHTN là chính sách với nhiều nội dung và có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất thu nhập do thất nghiệp và quan trọng hơn là hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề, tìm việc làm.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Ông Phan Sỹ Đồng-Trưởng phòng Lao động-Tiền lương (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông), cho biết: Từ năm 2008 trở về trước, doanh nghiệp luôn trích 1% lương cơ bản để trợ cấp thôi việc khi có lao động nghỉ việc. Nếu trong năm đó vào một thời điểm nhất định, lao động nghỉ việc nhiều thì việc cân đối tiền để trợ cấp thôi việc cho người lao động, doanh nghiệp sẽ lúng túng về tài chính.

Nhưng từ năm 2009 khi chính sách BHTN đi vào cuộc sống, người lao động và Nhà nước cùng tham gia nên đỡ đi rất nhiều cho doanh nghiệp trong vấn đề trợ cấp thôi việc cho người lao động, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Hàng tháng, doanh nghiệp chỉ trích 1% tiền lương cơ bản để đóng cho người lao động, còn người lao động thì yên tâm khi có chính sách BHTN; ngoài được trợ cấp thôi việc BHTN còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm mới.

Quyền lợi và đời sống công nhân vẫn được đảm bảo

Không chỉ riêng BHTN, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, ăn giữa ca, bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe định kỳ, tham quan du lịch… luôn được Công ty đặc biệt quan tâm. Dù trong giai đoạn giá mủ cao su sụt giảm, nhưng Công ty vẫn đảm bảo mức thu nhập cho lao động trung bình là 4 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, hàng năm Công ty đã chi trên 10 tỷ đồng cho công tác bảo hộ lao động, phòng-chống cháy nổ. Lao động trực tiếp làm việc trong môi trường độc hại được bồi dưỡng ăn giữa ca là 10.000 đồng/ngày/người. Sau buổi làm việc mệt nhọc, người lao động có chỗ ăn, nghỉ thoáng mát vừa đảm bảo chất lượng công việc vừa giữ gìn được sức khỏe.  

Trao đổi với P.V, ông Phan Sỹ Đồng cho biết thêm: Vào mỗi mùa cạo mủ, Công ty trực tiếp mời cán bộ thực hiện chính sách BHTN, cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đến các tổ, đội, nông trường tuyên truyền trao đổi, hướng dẫn, phân tích về thực hiện các chế độ quyền lợi liên quan đến người lao động. Trong công tác tuyển dụng lao động mới hàng năm, doanh nghiệp đều thực hiện đúng quy định của pháp luật, sau thời gian thử việc, lao động đủ điều kiện thực hiện đúng các quy định Luật Lao động, doanh nghiệp mới ký hợp đồng dài hạn. Từ đó, các chế độ, quyền lợi của người lao động mới được thực hiện đầy đủ như lao động lâu năm.

Mùa này đang là giữa mùa cạo mủ cao su, cán bộ, công nhân và người lao động Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đang ra sức thi đua để hoàn thành vượt định mức kế hoạch. Cho dù giá mủ cao su sụt giảm liên tục trong 2 năm trở lại đây nhưng Công ty vẫn luôn đảm bảo đời sống và thực hiện đầy đủ các chế độ quyền lợi cho người lao động.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm