Khi giáo viên làm bạn với học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cô giáo như mẹ hiền” là một trong những câu thành ngữ ví von sâu sắc mối quan hệ của cô-trò trong hoạt động tương tác dạy học. Nhà giáo không chỉ truyền bá tri thức trong sách vở, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò sải cánh vươn xa mà còn đóng vai trò là “mẹ”, là đấng sinh thành để nuôi dưỡng những đứa con bằng tình yêu vô bờ bến. Vậy nhưng, với sự biến đổi của xã hội, người mẹ muốn hoàn thiện vai trò của mình cũng cần học cách làm bạn với con, lắng nghe con tâm tình chia sẻ, xây dựng mối quan hệ tương tác 2 chiều với lớp trẻ.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu ta dạy cho con trẻ biết vâng lời thì những việc mẹ làm, những lời mẹ nói phải là tấm gương, là chuẩn mực hành vi để con cái phải học, noi theo. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vai trò đó, người mẹ phải không ngừng học hỏi, bám sát theo từng giai đoạn tâm lý của trẻ, và không ít lần xảy ra mâu thuẫn thế hệ khi khuôn mẫu của mẹ “lệch pha” so với chuẩn mực hành vi mới của con.

Giáo dục gia đình là nền tảng, nhưng trẻ còn một môi trường khác không kém quan trọng để xác lập sự xã hội hóa trong việc hình thành nhân cách, đó là nhà trường. Vậy nên, việc thầy-cô giáo đóng vai trò như một người bạn để cùng song hành trong việc giáo dục con trẻ là điều cần thiết. Mỗi giáo viên sẽ có những cách xác lập các kỹ năng khác nhau để có thể xây dựng mối tương tác 2 chiều với học sinh, sinh viên của mình. Tùy theo từng độ tuổi sẽ có các phương pháp tương ứng để trò chuyện với học trò. Mỗi giai đoạn phát triển trẻ sẽ có từng nhu cầu ưu tiên. Ví dụ ở tuổi mẫu giáo trẻ cần được dinh dưỡng đầy đủ, được vận động khám phá thế giới xung quanh mình; đến tuổi dậy thì trẻ sẽ cần được biết về sự khác biệt giới tính, về cơ thể của mình, lớn hơn nữa cần phải biết về tình dục an toàn, về rung động của tình cảm khác giới, đến tuổi sinh viên các em cần được giải thích về các chế độ chính sách, được lắng nghe những khó khăn khi đi học xa nhà…

Nhu cầu của học trò đa dạng và biến đổi theo sự phát triển xã hội. Tôi là một nhà giáo dạy về tâm lý học, có lẽ vì đặc thù ngành nghề nên tôi dễ làm bạn với học trò. Cô trò có thể chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện trên lớp, các buổi gặp gỡ ở ký túc xá, hoặc kết bạn trên mạng xã hội để khi có những chuyện “khó nói”, các em có thể nhắn tin cho cô. Đôi lúc cô trò cùng rủ nhau ra những thắng cảnh của TP. Pleiku chụp hình, gắn thẻ nhau vào những hoạt động ngoại khóa. Việc gần gũi học trò đã giúp tôi kịp thời nắm bắt những vấn đề xảy ra với các em, có những sự động viên nhất định để các em yên tâm học hành. Mối quan hệ cởi mở cô-trò còn giúp học sinh tránh được căng thẳng bởi áp lực thi cử, dễ dàng đối thoại, trao đổi với giáo viên về những điểm chưa rõ trong bài học…

Để xây dựng thành công phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thiết nghĩ việc thầy-cô giáo bằng các kỹ năng sư phạm của mình xây dựng mối quan hệ bạn bè trên nền tảng thầy trò là điều cần thiết để lắng nghe trò nói, tôn trọng học trò trong quá trình dạy học. Ngoài ra, mỗi trường cần có các câu lạc bộ, phòng tư vấn, tham vấn để học trò có thể được chia sẻ những chuyện “khó nói” với những người hiểu mình như bạn.

Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm