Khi những người lầm lỗi, làm lại cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên những con đường còn mịt mù bụi đất, đám học trò với cặp sách trên lưng, tíu tít buổi tan trường. Người lớn lên rẫy nhổ mì, hái tiêu, tất bật mùa thu hoạch… Nhịp sống yên bình và no ấm hiện rõ trong những ngôi làng, mái nhà từng một thời đảo điên bởi cơn sóng dữ mang tên “Tin lành Đê-ga”.
 

Người dân làng Obung phơi tiêu. Ảnh: Lê Hòa
Người dân làng Obung phơi tiêu. Ảnh: Lê Hòa

Gặp Rơ Mah Vit-Trưởng ban Mặt trận thôn Sur A (xã Ia Ko-huyện Chư Sê), khó ai ngờ rằng, trước đây Vit từng là một phần tử FULRO cốt cán, hoạt động rất tích cực tại địa bàn Ia Ko này. Năm 2001-2004, Vit góp phần tích cực trong việc vận động bà con tham gia gây rối, biểu tình bạo loạn tại huyện Chư Sê và TP. Pleiku. Sau chuỗi ngày lầm đường lạc lối, phần vì sau khi bị dập tắt, đồng bọn kẻ bị bắt, chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật và cộng đồng, kẻ xác xơ trở về từ bên kia biên giới sau chuỗi ngày dài ôm mộng đổi đời nơi “miền đất hứa” xa thăm thẳm, Vit thấm thía nhận ra bài học: Chỉ có thể bằng đôi tay và sức lao động chân chính mới có thể đổi thay cuộc đời. Vit quay trở lại bước đi trên con đường sáng.
 

Một góc làng TaiGlai-xã Ia Ko hôm nay. Ảnh: Lê Hòa
Một góc làng TaiGlai-xã Ia Ko hôm nay. Ảnh: Lê Hòa

Được sự tuyên truyền, động viên và khích lệ từ chính quyền xã và các đồng chí trong Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai (ngày đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy là đơn vị được phân công giúp đỡ Ia Ko), Vit quay trở lại với ruộng nương. Vit làm như chưa từng được làm để chuộc lỗi với gia đình, họ hàng vì những ngày bỏ bê đi theo giấc mộng phù du được vẽ lên bởi lời đường mật của bọn phản động. Có sẵn ruộng rẫy, Vit trồng cà phê, tiêu… Đất xa không có nước tưới, Vit trồng mì. Đất mẹ Ia Ko bao đời nuôi sống buôn làng đã dang rộng vòng tay, tặng cho gia đình Vit những vụ mùa bội thu. Chỉ sau vài năm chăm chỉ làm ăn, tích cóp, Vit đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được máy móc phục vụ sản xuất gia đình. Cơ ngơi trong tay Vit bây giờ cũng đủ tạm ổn: 4 sào cà phê đã cho thu hoạch, hơn 200 trụ tiêu, 2 ha mì… Cuộc sống tuy chưa giàu có, dư dả nhưng cái quý nhất là con cái Vit được đến trường, chúng sẽ được thầy cô dạy cho con chữ và điều hay lẽ phải, sẽ không phải mò mẫm và bước sai đường như Vit ngày xưa…

Riêng với Vit, ký ức buồn ngày xưa đã và đang được “chuộc lỗi” bằng những hoạt động tích cực tại cộng đồng. Với nhiệm vụ của một Trưởng ban Mặt trận thôn, từ bài học của chính mình, Vit thường xuyên vận động, tuyên truyền cho bà con phải sống, lao động theo đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước; không tin, không nghe lời kẻ xấu mà bước vào con đường lầm lỗi.

 

Vườn cao su xanh mướt của gia đình Siu Rứp. Ảnh: Lê Hòa
Vườn cao su xanh mướt của gia đình Siu Rứp. Ảnh: Lê Hòa

… Cơ ngơi ngày hôm nay chắc chắn sẽ không có nếu không có ngày Siu Rứp (làng Obung-xã Ia Ko-huyện Chư Sê) quyết định trở về và làm lại cuộc đời. Rứp đã từng tham gia vượt biên sang Campuchia năm 2002, cuối năm 2003 thì trở về. Cũng như Vit, Rứp được sự vận động tích cực từ phía chính quyền và đặc biệt là vòng tay dân làng Obung đã giúp Rứp tìm cho mình con đường sáng. Hôm nay, Rứp đã có cơ ngơi bạc tỷ bằng chính sức lao động của mình: 1 ha cà phê, 5 ha cao su đã cho thu hoạch. 4 đứa con của Rứp đều được đến trường và học hành rất khá…

Vit, Rứp là hai trong số nhiều người đã vì nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ, kích động của các phần tử phản động nhưng được cảm hóa kịp thời, họ đã bắt tay làm lại cuộc đời. Và hôm nay, ngay trên mảnh đất từng một thời lầm lỗi, họ đã và đang bắt tay góp sức cùng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.


Về Ia Ko hôm nay, những ngôi nhà xây khang trang, đẹp mắt mọc lên ngày càng nhiều. Những vườn cà phê, cao su, tiêu… xanh ngắt trải dài ngút tầm mắt. Nhiều hộ nhờ chăm chỉ làm ăn đã có được cuộc sống tiện nghi, thậm chí có nhà còn sắm được cả xe ô tô đắt tiền. Cuộc sống người dân ngày càng ổn định cũng là yếu tố quan trọng góp phần cho công tác an ninh chính trị trên địa bàn được đảm bảo.

Lê Hòa

Xã Ia Ko hiện có 1.097 hộ với 5.780 nhân khẩu. Trước đây, Ia Ko là một trong những “điểm nóng” về tình hình an ninh chính trị, là địa bàn hoạt động mạnh của Fulro. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, Ia Ko hôm nay đã đổi khác. An ninh chính trị ổn định tạo đà cho bà con phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt gần 1.000 ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm còn gần 20%. Đến nay, xã đã hoàn thành được 5/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu trong năm 2014 sẽ đạt thêm 3 tiêu chí...

Có thể bạn quan tâm