(GLO)- Trong cuộc sống, không ít lần người ta thấy cảnh những đứa trẻ bị cha mẹ đánh đập, bạo hành, có khi là do nóng giận, thiếu kiềm chế, có lúc nhân danh tình yêu thương với mục đích muốn con ngoan ngoãn, vâng lời. Nhưng dù với lý do gì đi chăng nữa, bạo hành vẫn là 2 từ cần được loại bỏ ngay từ suy nghĩ đầu tiên trong việc nuôi dạy trẻ.
Cách nhà tôi một con hẻm có một gia đình lao động nghèo với 4 người con, nay đều đã trưởng thành. Nhưng nếu không phải là hàng xóm thân thiết thì không ai biết rằng gia đình này từng có đến 5 người con. Đó là một chuyện đau lòng, xảy ra gần 30 năm trước. Anh con giữa trong một lần phạm lỗi đã phải chịu một hình phạt nặng nề chẳng khác gì tra tấn, được “truyền đời” qua nhiều thế hệ trong gia đình: Bị cha treo ngược chân lên xà nhà đánh cho một trận nhừ tử. Sau khi được thả xuống, anh bỏ nhà đi biệt đến nay, chưa ai từng gặp lại và không biết anh còn sống hay đã chết.
Tranh minh họa |
Nỗi sợ, hay nỗi hận, đã đẩy anh ra khỏi ngôi nhà tuổi thơ? Có lẽ là cả hai. Người ta có vô vàn lý do để bị ly tán khỏi gia đình, nhưng đau đớn nhất là trốn chạy nỗi ám ảnh từ phía gia đình. Và chắc chắn rằng nỗi ân hận của người làm cha, làm mẹ khi để mất một đứa con như thế là rất lớn và biết bao giờ có thể nguôi ngoai… Còn trong cuộc sống hiện nay, người ta cũng đọc được không ít thông tin trên báo chí về trường hợp những phụ huynh xích con vào cột điện vì con mê chơi game, hoặc đánh con thương tích đến mức phải nhập viện do trẻ không vâng lời…
Nhưng bạo hành về thể xác vẫn chưa thật ghê gớm như “bạo hành” bằng lời nói. Không ít bậc phụ huynh, trong những lúc giận dữ, đã vô tình ném vào con những lời gây tổn thương. Một kiểu thương tích không để lại dấu vết trên thân thể, nhưng để lại những vết hằn khó phai trong tâm trí. Một số phụ huynh sẵn sàng buông những câu nặng nề, thậm chí là “rùng rợn” như: “Con mà còn phá phách là mẹ sẽ chặt tay con!”, “Sao mày không chết đi cho rồi!”, “Hồi đó tao đẻ ra mày làm gì không biết”… Nhìn những giọt nước mắt và nỗi khiếp sợ trên gương mặt con trẻ, người ta không khỏi chạnh lòng. Giá chúng lớn lên trong một môi trường khác, được yêu thương theo một cách khác, thì tuổi thơ sẽ êm đềm biết bao!
Theo các chuyên gia về tâm lý, những đứa trẻ thường xuyên sống trong gia đình bạo lực sẽ rơi vào 3 tình huống: nhẹ nhàng nhất là ảnh hưởng về cách cư xử, giao tiếp và trạng thái cảm xúc, trở nên hung hãn, dễ tức giận, có thể “bạo hành” với người khác như mình từng bị đối xử, không nghe lời, hay sợ hãi, nản chí, buồn chán, không tự tin. Tiếp đó là thiếu kỹ năng tiếp nhận kiến thức, học kém, không biết cách tự giải quyết các xung đột mâu thuẫn. Nhưng nặng nề hơn cả là bạo lực sẽ khiến trẻ bị chấn thương về cảm xúc, trở nên nhẫn nhục chịu đựng sự chà đạp, lăng mạ trong các mối quan hệ. Như vậy, có thể thấy, bạo lực gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến phát triển nhân cách, trí lực cũng như khả năng giao tiếp, hòa nhập của trẻ đối với cộng đồng.
Vậy nhưng, điều này cũng vấp phải băn khoăn từ nhiều người: Phải làm thế nào mới đúng, trong khi ông bà xưa lại dạy: “Thương cho roi cho vọt”? Trên một diễn đàn gần đây, các bậc phụ huynh đã tranh luận rất nhiều về việc có nên dùng roi đòn trong khi dạy con. Nhưng có ý kiến của một phụ huynh đã nhận được nhiều sự đồng tình: “Nếu đánh con khi đang nóng giận thì bạn đã sai rồi. Hãy đánh con, dạy con khi bạn đã thật sự bình tĩnh, để chỉ cho con thấy cái sai của mình, để lần sau tránh không phạm phải sai lầm đó nữa”.
Vậy nên, các bậc cha mẹ, thay vì lo kiếm tiền hay mải mê với công việc, hãy dành thêm cho con chút thời gian, sự thương yêu, gần gũi; đừng “ưu tiên” roi đòn và quát mắng, hãy chia sẻ và đối thoại; thay vì áp đặt, hãy lắng nghe… Đừng nghĩ trẻ con thì biết gì. Con trẻ cũng có rất nhiều nhu cầu, cũng có những áp lực từ học hành, trường lớp, cũng cần được bao dung trước những lỗi lầm. Đừng vô tình trút lên con những gánh nặng cuộc sống của chính mình, hãy giúp con và cùng con trải qua một tuổi thơ thật sự ý nghĩa, vẹn tròn, ấm êm, để từ đó con trẻ có thể thật sự tự tin bước vào tương lai…
Lam Nguyên