(GLO)- Trên cơ sở thực hiện Luật Đất đai sửa đổi và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, tỉnh Gia Lai đã thực hiện Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất từ hai cấp thành một cấp, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Xoay quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan.
Ảnh: T.N |
- P.V: Ông có thể cho biết về cơ cấu tổ chức Văn phòng Đăng ký Đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường?
Ông Phạm Duy Du: Theo Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 24-4-2015 của UBND tỉnh “Về việc tổ chức lại Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác bàn giao nguyên trạng Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh. Bộ máy của Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh bao gồm 5 phòng chuyên môn và 17 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai đặt tại 17 huyện, thị xã, thành phố đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5-6-2015. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 187 người (gồm 82 biên chế và 105 lao động hợp đồng có thời hạn). Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku mỗi đơn vị được giao 8 biên chế, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai các huyện bình quân được giao 4 biên chế; riêng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê mỗi đơn vị được giao 5 biên chế.
- P.V: Theo sự chuyển đổi này, công việc chuyên môn có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Ông Phạm Duy Du: Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trên toàn tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện những sai sót, chồng chéo. Đồng thời, thống nhất cao về mặt chuyên môn và đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ tại Chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, cơ sở dữ liệu địa chính, giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc về chuyên môn; quản lý tốt việc biến động đất đai, nhất là việc tách thửa đất không để xảy ra tình trạng chia cắt manh mún không đúng quy định. Việc cập nhật các biến động, quản lý dữ liệu địa chính được đi vào nền nếp. Chất lượng thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, do Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp kiểm tra trước khi trình ký giấy chứng nhận. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận được đảm bảo đúng quy định, do Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp có điều kiện về lực lượng chuyên môn để hướng dẫn, kiểm tra, xử lý những vướng mắc kip thời...
Giải quyết thủ tục về đất đai cho người dân tại các địa phương. Ảnh: T.N |
Cùng với đó, những mặt khó khăn vướng mắc đáng quan tâm như số lượng biên chế quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trụ sở làm việc của Văn phòng Đăng ký Đất đai chật chội và trang-thiết bị kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu công việc, phần lớn không có kho lưu trữ, 100% nhà làm việc chung với các cơ quan, một số Chi nhánh không đủ trang-thiết bị cho cán bộ làm việc (máy đo đạc, máy in giấy chứng nhận, máy photo…). Công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, quản lý hồ sơ địa chính toàn tỉnh còn hạn chế chưa được đầu tư...
Đặc biệt, khoảng cách địa lý giữa Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh và một số Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai các huyện, thị xã khá xa (trong đó có 4 Chi nhánh cách hơn 100 km), nên có khó khăn trong việc phối hợp giải quyết công việc, tốn kém chi phí vận chuyển hồ sơ. Bên cạnh đó, các Chi nhánh và Văn phòng trung tâm không có nguồn thu để thuê hợp đồng lao động. Các khoản thu phí, lệ phí không đủ trang trải cho hoạt động. Mặt khác, khối lượng công việc nhiều gây áp lực quá lớn...
- P.V: Từ thực tế triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường có những đề xuất kiến nghị gì với các bộ ngành chức năng?
Ông Phạm Duy Du: Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất giao chỉ tiêu biên chế tối thiểu cho địa phương trên cơ sở diện tích tự nhiên hoặc dân số đối với Văn phòng Đăng ký Đất đai để địa phương vận dụng. Hiện nay mỗi huyện chỉ giao 4 biên chế, thành phố Pleiku hàng ngày phải xử lý bình quân 200 đến 300 hồ sơ mà biên chế chỉ giao 8 người, trong lúc đó thời gian xử lý hồ sơ phải đảm bảo quy định. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để bảo đảm mô hình Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh hoạt động có hiệu quả theo hướng dịch vụ công điện tử. Đồng thời, Bộ Tài chính rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về các khoản thu, mức thu phí, lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính và cung cấp thông tin đất đai để đảm bảo các khoản phí miễn thu và khoản thu phải bù đắp được chi phí hoạt động của Văn phòng Đăng ký Đất đai. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm của Văn phòng Đăng ký Đất đai các tỉnh, thành phố đã hoạt động hiệu quả...
- P.V: Xin cảm ơn ông.
Thanh Nhật (thực hiện)