''Nghiên cứu mới từ Đại học Bang Iowa (Mỹ) đã tìm ra cách mà các món ăn, uống ảnh hưởng đến sự suy giảm nhận thức - điểm khởi đầu của căn bệnh Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ không thuốc chữa khác..
Bài công bố trên Journal of Alzheimer's Disease khẳng định thực phẩm chúng ta ăn có thể tác động trực tiếp đến khả năng nhận thức của chúng ta sau này.
Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả từ Đại học Bang Iowa (Mỹ), đứng đầu bởi phó giáo sư Auriel Willette, một chuyên gia về khoa học thực phẩm và dinh dưỡng con người, cùng với tiến sĩ Bradon Klineinst, chuyên gia thần kinh. Họ đã phân tích dữ liệu từ 1.787 người từ 46 đến 77 tuổi từ ngân hàng dữ liệu y sinh Biobank của Anh.
Phô mai và rượu vang đỏ là 2 món ăn, uống dễ tìm, rất tốt để đẩy lùi Alzheimer - căn bệnh nan y đang gia tăng khắp thế giới - Ảnh minh họa từ Internet |
Những tình nguyện viên tham gia được yêu cầu hoàn thành bài kiểm tra về trí thông minh linh hoạt (FIT), cũng như trả lời bảng hỏi về việc tiêu thụ thực phẩm và rượu qua nhiều lần đánh giá. Các món ăn, uống được đề cập đến là trái cây tươi, trái cây sấy khô, rau và salad, cá dầu, cá nạc, thịt qua chế biến, thịt gia cầm, thịt bò, thịt cừu, thịt heo, phô mai, bánh mì, ngũ cốc, trà, cà phê, bia, rượu champaign và các loại rượu khác.
Đáng kinh ngạc, 3 loại "siêu thực phẩm" có thể giúp đẩy lùi nhóm bệnh mất trí nhớ bao gồm: phô mai; rượu vang đỏ tiêu thụ hàng ngày với liều lượng thấp (tức nhấm nháp 1 ly nhỏ trong ngày, một thói quen đã từng được chứng minh là tốt cho tim mạch); thịt cừu ăn hàng tuần. Ngoài ra nghiên cứu cũng nhận thấy những người ăn ít muối sẽ ít bị căn bệnh Alzheimer được và khuyên những người đang có nguy cơ đối với căn bệnh này lập tức giảm mặn.
Phát biểu trên Medical Xpress, tiến sĩ Klineinst cho biết nghiên cứu nhằm đưa đến phương án trị liệu bằng dinh dưỡng để giúp ngăn ngừa Alzheimer ở đối tượng nguy cơ, cũng như làm chậm diễn tiến căn bệnh ở người đã được chẩn đoán. Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ khác đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hàng thứ 5 trong các nguyên nhân gây tử vong sớm nhiều nhất trên toàn cầu, và hiện vẫn chưa có thuốc chữa.
Anh Thư (NLĐO)