Khởi động du lịch cộng đồng ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều chuyến khảo sát, đại diện các hãng lữ hành lớn trong cả nước đều có chung quan điểm rằng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở Gia Lai sẽ là thế mạnh nếu được đầu tư đúng hướng. Tỉnh Gia Lai đã có những kế hoạch cụ thể nhằm phát huy lợi thế của DLCĐ trong chiến lược phát triển du lịch năm 2019 và những năm tiếp theo.
Trong một chuyến khảo sát giữa năm 2018, bà Phan Yến Ly-đại diện Saigon Tourist-đã tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng, chưa khai thác loại hình DLCĐ là một “thiệt hại” đáng kể cho du lịch Gia Lai. Đây cũng là đánh giá chung của giới lữ hành khi khảo sát du lịch tỉnh ta. Bà Ly chia sẻ: “Không chỉ khảo sát, tôi đã đích thân đưa khách đến một số ngôi làng ở xã Hà Tây (huyện Chư Pah), nơi có những nhà rông tuyệt đẹp, nhiều nghề truyền thống còn lưu giữ. Ở đó có tất cả những gì mà một khách du lịch muốn khám phá văn hóa kết hợp điền dã, trải nghiệm thấy hứng thú, hấp dẫn. Nhưng tiếc là chưa có mô hình DLCĐ nào ở đây. Chúng tôi chỉ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất này cùng kiến trúc độc đáo của các thực thể văn hóa rất đặc biệt, rồi ra về”.
Làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku)-một trong những ngôi làng nằm trong “đích ngắm” để tập trung đầu tư, xây dựng mô hình DLCĐ của tỉnh. Ảnh: Đ.T
Cũng theo bà Ly, những ngôi làng được định danh trên bản đồ du lịch địa phương như làng Phung, làng Kép ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) không phải là nơi có thể phát triển mô hình DLCĐ như lâu nay mọi người lầm tưởng bởi sự phai nhạt của các yếu tố văn hóa truyền thống diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Còn những ngôi làng Bahnar ở xã Hà Tây mới thực sự là những viên ngọc cần mài sáng. Bởi giá trị văn hóa truyền thống và chủ thể của những giá trị này mới làm nên sức hấp dẫn cho DLCĐ. Ở xã Hà Tây đã hội tụ được phân nửa, việc còn lại của ngành du lịch chính là đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho DLCĐ, đặc biệt là hướng dẫn người dân làm du lịch một cách bài bản, có chủ đích, lộ trình hẳn hoi.
Theo kế hoạch phát triển du lịch được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2019, một số ngôi làng truyền thống nằm trong “đích ngắm” để tập trung đầu tư, xây dựng mô hình DLCĐ gồm: làng nghề truyền thống (xã Glar), Kon Mahar và làng Kon Pơ Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa), làng Ốp (TP. Pleiku), làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah), làng Vai Viêng (xã Ayun, huyện Mang Yang), làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Một số làng được giới lữ hành đánh giá cao trong các chuyến khảo sát du lịch lại chưa được “chọn mặt gửi vàng” trong danh sách này.
Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng thành công mô hình DLCĐ trong chiến lược phát triển “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch tỉnh đã có bước đi chuẩn bị. Tháng 10-2018, tỉnh ta đã mời bà Hoàng Quế Nga-chuyên gia về DLCĐ của dự án “Chương trình phát triển năng lực có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (EU) về tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách du lịch trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của khóa học là đào tạo được đội ngũ cán bộ, quản lý có đủ kiến thức về DLCĐ, đồng thời có năng lực, trình độ để trở thành những “đào tạo viên” về DLCĐ, hướng dẫn cho người dân trong các làng cách làm du lịch dựa vào chính bản thân họ.
Đón đầu xu hướng phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, trước đó, huyện Kbang đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai mở lớp đào tạo kỹ năng làm DLCĐ cho người dân ở các xã trọng điểm có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Hơn 100 người dân của các xã Tơ Tung, Đak Rong, Krong, Nghĩa An và thị trấn Kbang được đào tạo các kỹ năng giao tiếp trong du lịch, phục vụ khách lưu trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, kiến thức bảo vệ tài nguyên trong khai thác du lịch… Theo chuyên gia Hoàng Quế Nga, người dân chính là chủ thể quyết định sự thành công của loại hình du lịch dựa vào cộng đồng. Vì vậy, việc đào tạo, hướng dẫn người dân cách thức tiếp cận với loại hình này là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quyết định.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sau Kbang, một số địa phương như Đak Đoa, Chư Pah, Ia Grai, Mang Yang cũng cần có sự khởi động tương tự. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp, tạo điều kiện để các địa phương triển khai các công việc cần thiết, hướng đến xây dựng thành công loại hình DLCĐ, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh”. Ngoài đào tạo con người, những việc trước mắt cần làm như xây dựng mô hình nhà ở cho khách du lịch thuê (homestay), sửa chữa nhà rông, nhà trưng bày; khôi phục các nghề thủ công truyền thống, tổ chức các lễ hội truyền thống tại làng trên cơ sở phát huy giá trị của di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”…
Về công tác quảng bá, thu hút đầu tư, tỉnh ta đã tổ chức công bố tour DLCĐ với các doanh nghiệp lữ hành cả nước trong dịp Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai cuối năm 2018. Sự kiện này có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành cả nước, bước đầu giới thiệu, quảng bá đến các đơn vị “cầu nối” sản phẩm DLCĐ độc đáo tại Gia Lai.
Các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tham quan tại làng không còn là hoạt động mới mẻ. Tuy nhiên, đưa khách đến làng và có chỗ lưu trú, thưởng thức ẩm thực, phong vị bản địa từ kiến trúc đến không gian sinh hoạt văn hóa, đời thường và được chính người dân phục vụ, sẽ là một sự trải nghiệm hoàn toàn mới. Và để có được sự tận hưởng này, hẳn nhiều người đang rất kỳ vọng vào sản phẩm DLCĐ đầu tiên của du lịch Gia Lai.
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm