Thời sự - Bình luận

Không chủ quan với bệnh bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang khẩn trương khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của bệnh bạch hầu, khi chỉ hơn một tháng qua, tính đến ngày 7-7, khu vực này đã có 62 ca dương tính với bệnh bạch hầu, 3 ca đã tử vong (trong đó có 1 cháu bé ở xã Hải Yang, huyện Đak Đoa). Nhận diện chính xác căn bệnh để có giải pháp ngăn chặn, không để bệnh bạch hầu lây lan ra cộng đồng là nhiệm vụ không thể chủ quan, lơ là lúc này.

 

Qua 5 tháng vật lộn với đại dịch Covid-19, cả nước có gần 370 ca mắc bệnh. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự làm việc tận tụy, hết mình của đội ngũ y-bác sĩ mà chúng ta đã điều trị khỏi cho 342 người, không có ca nào tử vong. Đặc biệt, việc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân thứ 91 là phi công người Anh sau hơn 3 tháng điều trị đã tạo được tiếng vang cho ngành Y tế Việt Nam. Giữa cơn càn quét của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới với hơn 11,4 triệu người nhiễm bệnh, gần 533.000 người chết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem như điển hình thành công trong công tác phòng-chống dịch bệnh và hết lời ca ngợi, nhiều nước đã đến Việt Nam học tập kinh nghiệm.    

Thế mà, chỉ trong hơn 1 tháng, căn bệnh bạch hầu đã cướp đi sinh mạng của 3 người. Điều đáng nói, đây không phải một loại bệnh mới xuất hiện, không có thuốc chữa. Mà ngược lại, còn chủ động ngăn chặn nếu người dân được tiêm phòng đầy đủ ngay từ đầu. Rất ít trường hợp không tương thích với vắc xin bạch hầu.

Khu vực cách ly, điều trị bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Khu vực cách ly, điều trị bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện



Trên thực tế, việc tiêm phòng 6 bệnh truyền nhiễm (trong đó có bệnh bạch hầu) nguy hiểm cho trẻ em đã được ngành Y tế triển khai từ hàng chục năm qua. Với mũi tiêm 6 trong 1, người dân dễ dàng tiếp cận với biện pháp phòng ngừa này và thực sự đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại ở Tây Nguyên từ năm 2013. Đầu tiên là ở huyện Kbang. Sau đó là nhiều địa phương khác.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, sau 7 năm tái phát, 90% số người bị bạch hầu đều là đồng bào dân tộc thiểu số, tức là những người ở “vùng lõm” về tiêm chủng; hơn 90% số ca mắc bệnh đều trên 7 tuổi (vì tiêm chủng chỉ bảo vệ trẻ đến năm 7 tuổi, sau đó cứ 6 năm, tức 12 và 18 tuổi, phải tiêm nhắc lại). Đó là lý do tại sao bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên lại xảy ra lúc này và chỉ ở những địa bàn “vùng lõm” về tiêm chủng.

Cũng chính vì bệnh chỉ xảy ra khi gặp tác nhân phù hợp nên khi có người mắc bệnh, cả nhân viên y tế và người bệnh đều không nghĩ là bệnh bạch hầu. 3 ca bệnh tử vong do bệnh bạch hầu mới đây ở Tây Nguyên đều được phát hiện muộn, sau mấy ngày người bệnh tự mua thuốc điều trị tại nhà không khỏi. Sự chủ quan đối với căn bệnh đã được tiêm chủng cũng như tính thụ động của người dân khi không chấp hành đầy đủ việc tiêm phòng, tỷ lệ nhỏ sai sót trong y tế là những kẽ hở để bệnh bạch hầu quay trở lại, đe dọa sức khỏe và tính mạng con người.       

Trước tình hình này, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Ngày 6-7, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1388/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các cơ sở y tế… khẩn trương phối hợp triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống bệnh bạch hầu; khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị kịp thời khi phát hiện ca bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, nhất là bệnh bạch hầu.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp. Vì thế, việc phát hiện sớm để cách ly điều trị người bệnh, khoanh vùng dập dịch không để lây lan ra cộng đồng là quan trọng nhất. Tăng cường tiêm chủng, nhất là tiêm chủng mở rộng, tiêm vét là yếu tố quyết định trong việc tạo ra sự miễn dịch chủ động cho người dân trong phòng-chống dịch bệnh.

Người dân không nên quá hoang mang lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan lơ là với dịch bệnh. Thay vào đó là cần thực hiện khuyến cáo của ngành Y tế, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh và đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, khám phát hiện bệnh ngay khi có những biểu hiện đáng ngờ liên quan đến đường hô hấp-một trong những biểu hiện của bệnh bạch hầu.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm