(GLO)- Nghe lời tuyên truyền, xúi giục của kẻ xấu về một cuộc sống sung sướng, không làm mà vẫn có ăn, thời gian qua, một số người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã bỏ gia đình, buôn làng đi tìm “Miền đất hứa”. Được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và sự tha thứ của buôn làng, họ đã trở về thăm quê hương sau nhiều năm lạc lối.
Vợ chồng chị Alung kể về cuộc sống của mình. Ảnh: Ngọc Ánh |
Để tìm hiểu cuộc sống của những Việt kiều Mỹ, ngày 11-2-2014, chúng tôi đến Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh để gặp gia đình chị Siu Alung. Đã hơn 10 năm kể từ ngày bỏ làng ra đi, hôm nay, chị mới có dịp cùng chồng con đến thăm mộ cha và người anh ruột mất cách đây ba tháng. Cực nhọc mưu sinh ở xứ người khiến người phụ nữ này trông già hơn so với tuổi 32 của mình. Năm 2004, nghe kẻ xấu nói chỉ cần sang Mỹ thì không đi làm vẫn có người đem cơm gạo đến cho ăn, Alung cùng một số người trốn ra rừng vượt biên sang Campuchia. Hơn 20 ngày chui rúc trong rừng và gần 1 năm chờ đợi mòn mỏi, Alung cũng được qua Mỹ. Nhưng thực tế cuộc sống ở đây đã làm sụp đổ hoàn toàn “thiên đường” mà trước đó họ tưởng tượng ra. Chị Siu Alung tâm sự: “Ban đầu qua đó khó khăn lắm. Không biết nói tiếng Anh, không biết lái xe, đường đi cũng không biết… Đến khi kiếm được việc làm thì tôi mới biết mình có thể sống sót. Ở đó cũng như ở Việt Nam, có làm mới có gạo ăn. Nhưng ở Việt Nam tốt hơn vì đây là quê hương mình. Làng quê bây giờ đã có điện, đường, khang trang hơn xưa rất nhiều”.
Hơn 10 năm xa quê, chị Alung vẫn giữ được chất mộc mạc vốn có của một người con Jrai. May mắn lớn nhất của chị khi qua Mỹ là gặp và kết hôn với người đồng hương-anh Rơ Châm Guam, ở buôn Ma Dơng, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, đi Mỹ theo diện HO từ năm 1997. Để nuôi 2 đứa con nhỏ, trả tiền thuê nhà, tiền thuế, anh Guam phải đi làm thuê xa nhà, chị Alung hàng ngày gửi con để chạy vạy kiếm sống. Vì thu nhập bấp bênh, đồng lương eo hẹp nên phải mất hàng chục năm, họ mới quyết định về thăm quê. Khác với hình dung ban đầu của chị Alung, dân làng, người thân dang rộng vòng tay bao dung, chính quyền cũng tạo điều kiện cho những người con tha phương một thời lầm lỡ trở về.
Còn đối với Bhim (làng Driek, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), quãng thời gian được đón Tết cùng gia đình ở quê nhà là những ngày hạnh phúc. Năm 1997, khi mới 12 tuổi, Bhim theo chị sang định cư ở Mỹ theo diện HO. Lớn lên, anh làm thợ mài đá ở một công ty đá Granite kiếm sống. Hơn ai hết, anh hiểu để có thể bám trụ ở xứ người, ai cũng phải lao động cật lực, thậm chí đánh đổi bằng cái giá rất đắt. Anh cũng chứng kiến sự tác động của khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Mỹ khiến nhiều kiều bào thất nghiệp, sống lay lắt nên dù rất muốn về Việt Nam, họ cũng không thể sum họp gia đình dù chỉ một lần. Bhim chia sẻ: “Mọi người đừng nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên. Mình ở đây có ruộng rẫy, có nhà. Nhà nước cũng cho mình quyền tự do làm việc, đi lại. Ai nghèo được Nhà nước giúp xây nhà, Nhà nước cũng xây trường cho học sinh đi học. Ở Mỹ 17 năm rồi, tôi biết cuộc sống bên đó không dễ dàng gì. Đi làm trễ một chút người ta đuổi mình. Bây giờ người thất nghiệp cũng nhiều, xin việc phải có bằng cấp, rất khó khăn”.
Trong cái nắng mùa xuân ấm áp, vợ chồng Bhim tranh thủ thời gian đến tạm biệt bà con họ hàng trước khi đi. Lúc anh sang Mỹ, người chị họ Nay H’Preng con cái nheo nhóc, cơm không đủ ăn. Thế mà giờ đây, cây tiêu, cây cà phê đã cho gia đình chị một cơ ngơi khang trang. Cuộc sống của mẹ và các anh chị em của Bhim cũng khá ổn định. Ngày mai xa quê, sự chia tay như một dấu lặng trong hành trình trở về đầy hạnh phúc của người thanh niên Jrai này. Anh bộc bạch: “Khi nào có điều kiện, tôi sẽ trở về đây sinh sống bên gia đình mình”.
Tiếp xúc với những người may mắn trở về thăm quê, chúng tôi dễ dàng nhận thấy một điểm chung: Họ luôn hướng về quê hương với một nỗi nhớ mong tha thiết. Cuộc sống sung sướng ở nước Mỹ như lời Ksor Kơk và bọn phản động FULRO tuyên truyền chỉ là lừa mị. Anh Rơ Châm Guam, chồng chị Alung khẳng định: “Ở bên đó, chúng tôi không quan tâm đến Kơk và đồng bọn của hắn vì chẳng ích lợi gì cả. Chúng tôi chỉ lo làm ăn kiếm sống để lo cho vợ con, gia đình thôi”.
Từ góc nhìn của những Việt kiều về thăm thân, có thể nói, nước Mỹ không phải là thiên đường với cuộc sống “không làm mà vẫn có ăn” như một số người đang tưởng tượng. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người đang mang ảo vọng về “Miền đất hứa”.
Thúy Trinh-Ngọc Ánh