Thời sự - Bình luận

"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT), cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, 58% NKT là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 75% NKT sống ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn có thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống khó khăn.

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT được ban hành, triển khai. Các hoạt động trợ giúp NKT được triển khai rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đối tượng được trợ giúp như hỗ trợ chăm sóc, điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, cấp học bổng; trợ giúp tìm việc làm; xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà “Đại đoàn kết”; hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hợp quy chuẩn quốc gia; thăm hỏi, tặng quà, dạy nghề, hỗ trợ vật nuôi cho hộ gia đình… Sự vào cuộc của cả xã hội đã đào tạo cơ hội bình đẳng, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1-12. Ảnh nguồn NDO
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1-12. Ảnh nguồn NDO


Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 13.563 NKT, trong đó có 8.017 NKT nặng, 2.667 NKT đặc biệt nặng và 2.879 NKT nhẹ. Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ NKT trên địa bàn từ vật chất đến tinh thần. Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã vận động các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tham gia đóng góp, ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Từ đó, Hội đã trao tặng 1.480 bộ quần áo cho người khuyết tật, người nghèo tại các huyện: Krông Pa, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và 200 người mù với tổng kinh phí 740 triệu đồng; tặng 260 suất quà cho NKT, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo cô đơn (mỗi suất trị giá 300 ngàn đồng); tặng 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh khuyết tật tại huyện Kông Chro; xây dựng 1 căn nhà tình thương cho gia đình NKT nghèo chưa có nhà ở tại xã Ia Ko (huyện Chư Sê) với số tiền 65 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp khám sàng lọc cho 123 NKT trên địa bàn tỉnh; qua đó, chỉ định phẫu thuật và lắp dụng cụ chỉnh hình cho 55 NKT hệ vận động.

Hoạt động chăm sóc NKT ở các địa phương cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong việc hỗ trợ sinh kế cho NKT phát triển kinh tế. Có thể kể đến như Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi thị xã Ayun Pa đã mua 2 con bò sinh sản với số tiền 24 triệu đồng trợ giúp 2 gia đình NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cũng luôn thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu mồ côi, người già neo đơn, NKT và người lang thang sống tại Trung tâm; duy trì tốt chế độ tập luyện phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật.

Dẫu vậy, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là đời sống của phần lớn NKT vẫn còn nhiều khó khăn; một số NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, đặc biệt là dạy nghề, việc làm. Vì lẽ đó, trên đường phố vẫn còn nhiều NKT chật vật mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai hay… ăn xin.

Chủ đề của Ngày Quốc tế NKT năm 2022 là “Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và tiếp cận cho NKT”. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu toàn cầu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật và các chương trình, đề án về NKT. Rà soát sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác NKT ở các trung tâm bảo trợ xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, cập nhật, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước về NKT...

Đồng thời, các ngành, địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp về công tác NKT vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội hàng năm gắn với ban hành các chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trợ giúp NKT. Song, quan trọng nhất chính là bản thân mỗi NKT cần quyết tâm, chủ động vượt qua rào cản để vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm