Thời sự - Bình luận

Không để đà phục hồi mất trớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đó là trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế khi nhiều khả năng "điểm tựa tổng cầu" - chính sách giãn, giảm thuế chính thức dừng lại vào cuối năm nay.

Cụ thể, tại hội nghị sơ kết mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết 4 năm qua VN đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng là giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh gần 200.000 tỉ đồng/năm. "Từ năm 2025 thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, không giảm thuế mà tập trung vào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đây mới là mục tiêu tăng trưởng bền vững", Bộ trưởng nói.

Thông tin này khiến các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp lo ngại đà phục hồi kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Lo ngại này là có thể hiểu bởi chúng ta đều biết khó khăn lớn nhất của nền kinh tế trong nước nói riêng và thế giới nói chung mấy năm nay là sự suy yếu của tổng cầu. Ngay tại các nước giàu có như Mỹ, EU... tình trạng người dân thắt chặt chi tiêu kéo dài khiến đơn hàng nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu trong đó có VN. Sự phục hồi ở thời điểm hiện tại còn rất mong manh và xu hướng chuyển sang những sản phẩm giá rẻ vẫn thịnh hành. Ngay sát chúng ta, Thái Lan, Singapore đang phát tiền mặt cho người dân nhằm kích thích tiêu dùng. Những động thái trên cho thấy kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi dư chấn của các cuộc khủng hoảng liên tiếp từ dịch bệnh, xung đột địa chính trị gây đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát...

Trong nước, nỗ lực của Chính phủ đã mang lại kết quả ấn tượng, tăng trưởng GDP đang trên đường "lấy lại hào quang" như nhận định của HSBC trong báo cáo mới đây về kinh tế VN. Tuy nhiên, cũng như các nước, "sức khỏe" của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn, chưa thực sự phục hồi. Tổng cầu vẫn ì ạch. Giải ngân đầu tư công, "mũi giáp công" lớn nhất 6 tháng đầu năm chỉ đạt 29,39%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Về tín dụng, dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp đẩy mạnh, lãi vay cũng đã giảm khá nhiều nhưng chưa đủ để thúc đẩy vốn chảy vào sản xuất kinh doanh. Thương mại tăng nhưng một phần quan trọng do giá tăng, thực tế nhiều địa phương vẫn đang nỗ lực tăng sức mua thông qua các chương trình khuyến mãi, bình ổn kéo dài nhưng chưa hiệu quả. Mặt bằng kinh doanh bỏ trống vẫn nhiều, doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn cao... Trong bối cảnh này, việc dừng các chính sách giãn, giảm thuế vào năm 2025 có thể khiến đà phục hồi mới nhen lên bị mất trớn.

Vì thế, thay vì dừng, đây là thời điểm chúng ta nên tận dụng trớn phục hồi để bứt lên bằng các chính sách tài khóa tiếp nối. Bên cạnh đó, cần bổ sung các giải pháp đồng bộ và cần thiết như điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân vốn đã quá lạc hậu thay vì đợi tới gần 2 năm nữa; bỏ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, máy lạnh không còn phù hợp như VCCI vừa kiến nghị; đẩy nhanh hoàn thuế để các doanh nghiệp có vốn cũng như động lực mở rộng hoạt động kinh doanh; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn, đồng bộ với các luật có hiệu lực từ ngày 1.8 tới để áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nghiên cứu nới visa để du lịch, lĩnh vực sở hữu nhiều tiềm năng, bứt tốc; tiếp tục cắt bỏ thủ tục, có chế tài với các cán bộ sợ ký, sợ trách nhiệm để bộ máy hành chính công thông suốt. Từ đó, giảm chi phí thời gian, chi phí tài chính, tăng cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và môi trường đầu tư nói chung...

Cỗ xe tăng trưởng vẫn cần được tiếp sức để nền kinh tế thực sự khỏe mạnh, thực sự phục hồi và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Có thể bạn quan tâm