(GLO)- Xã hội đang bức xúc trước những thông tin không lấy gì tốt đẹp. Gian lận thi cử, bạo lực học đường đang làm rối tung câu chuyện giáo dục, tội phạm buôn bán, sử dụng ma túy, một bộ phận cán bộ đảng viên hư hỏng, tha hóa đạo đức, lối sống, lạm dụng tình dục trẻ em, làm hàng giả, thuốc giả, thực phẩm không an toàn xâm nhập vào tận bếp ăn trường học… đang làm méo mó các quan hệ giữa người với người, giữa người dân với cơ quan công quyền, cho thấy kỷ cương phép nước đang bị suy giảm.
Có thể nói, chưa bao giờ trên báo chí, nhất là một số báo điện tử, phản ánh về những mảng tối của xã hội lại nhiều đến thế. Cộng thêm sự góp mặt của mạng xã hội, những thông tin kiểu “cướp-giết-hiếp” lại càng có mật độ xuất hiện dày đặc, làm người ta có cảm tưởng xã hội bây giờ u tối quá. Có những hành vi mà mới nghe không ai dám tin là sự thật. Những hành vi “không bình thường” đó không chỉ xảy ra trong một bộ phận dân cư mà còn diễn ra trong cán bộ, đảng viên-những người có chức vụ, quyền hạn; phát sinh trong mối quan hệ giữa người dân với người dân, giữa người dân với cơ quan công quyền, với các lực lượng thực thi pháp luật. Điều đó khiến dư luận lo lắng.
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng: Kỷ cương không nghiêm, trước hết phải nhìn vào các cơ quan quản lý và đội ngũ thực thi công vụ. Hành vi thiếu chuẩn mực của người dân nhiều khi là sự phản ứng một cách tự nhiên khi công lý, công bằng không được thực thi nghiêm minh, khi cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc giải quyết những bức xúc của cuộc sống. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng này thì phải bắt đầu từ phía cán bộ công quyền. Hãy xem lại quy trình, thủ tục làm việc, kỷ luật công vụ và cơ chế kiểm tra giám sát đã kín kẽ chưa, cán bộ tiếp xúc với dân đã làm hết trách nhiệm chưa? Thiếu cơ chế kiểm tra giám sát, lại bị lợi ích vật chất quyến rũ thì chuyện cán bộ sai phạm là điều dễ xảy ra.
Pháp luật chưa nghiêm cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Ví như những quy định về xử lý tội làm hàng giả, hàng nhái hay thực phẩm bẩn… chắc hẳn là chưa đáp ứng được yêu cầu răn đe. Lợi nhuận hàng tỷ đồng từ việc sản xuất hàng giả nhưng chỉ xử phạt vài chục triệu đồng. Nhập thuốc giả nhưng lại ngụy biện là “thuốc kém chất lượng”. Ý đồ đen tối của những kẻ làm ăn gian dối gặp những cán bộ không biết giữ mình, bỏ qua những quy tắc của đạo đức công vụ thì cái bắt tay trong bóng tối, trò đếm tiền bẩn dưới gầm bàn, nhắm mắt làm ngơ để cho hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật lộng hành sớm muộn gì cũng xảy ra. Người dân bức xúc nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện, có dũng khí đấu tranh hoặc đi tìm sự thật. Bởi họ đâu chỉ đối diện với những thế lực cản trở ngoài ánh sáng mà còn phải đối diện với những nguy cơ mất an toàn từ trong bóng tối.
Hoàn thiện thể thế, pháp luật là điều cần chú trọng trước tiên. Không chỉ có luật mà luật phải thực sự tốt, không làm luật cho có rồi để đấy, chấm dứt tình trạng luật trên trời-người dưới đất. Luật tốt thôi chưa đủ, phải có đội ngũ thực thi pháp luật thật tốt; có những công chức nhà nước mẫn cán, liêm chính, hết lòng vì dân thì kỷ cương phép nước mới được gìn giữ.
Không ai khuyến khích những hành vi lệch chuẩn, thậm chí là quá khích, vi phạm pháp luật. Nhưng đừng trách người dân bức xúc, có hành động nông nổi, khi nguyên nhân lại bắt đầu từ chính những người thực thi trong bộ máy công quyền. Vì vậy, để kỷ cương phép nước không bị xem thường, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì cần tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức để họ thực sự trở thành tấm gương trong mọi hành động.
NGUYỄN VÂN