Ông Huỳnh Ngọc Tục |
* Cuối năm là thời điểm giá cả thị trường có nhiều biến động, không ngoại trừ có một số mặt hàng đang bị làm giá, ông nhận định gì về vấn đề này?
- Ở thị trường Gia Lai, nhóm mặt hàng thực phẩm công nghệ, tiêu dùng phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất, do đó biến động không lớn do nguồn cung luôn đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Tình trạng tăng giá đột biến không xảy ra ở nhóm ngành hàng này mà tập trung lớn ở ngành hàng thực phẩm tươi sống, bởi các mặt hàng phụ thuộc vào nguồn cung tại chỗ là chủ yếu nên gần đây đã có những biến động. Khi cung tại chỗ không đáp ứng đủ cầu, buộc họ phải nhập hàng từ nơi khác và tất nhiên chi phí sẽ bị đẩy lên, theo đó giá cũng sẽ tăng, mà tình hình tăng chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định. Có tăng do cầu tăng, nhưng gọi là ở mức đột biến thì không, bởi lực lượng kiểm soát thị trường hoạt động liên tục ở tất cả các địa bàn.
* Những chương trình bình ổn giá thời gian vừa qua của hệ thống các siêu thị thực hiện rất hiệu quả, như vậy dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Sở đã tổ chức các chương trình bình ổn thị trường cuối năm như thế nào?
- Thật ra mà nói trong điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn, tỉnh không xây dựng được quỹ bình ổn giá như các địa phương khác, có nghĩa là giá bán theo giá thị trường, không bán giá như đã cam kết với ngành chức năng. Tuy vậy, các doanh nghiệp rất có nghĩa vụ trong việc dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, tránh việc khan hiếm hàng, gây sốt giá.
Ảnh: K.N.B |
Sở đã giao cho 2 đơn vị trực tiếp thực hiện là Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai (34 xe bán hàng lưu động) và 2 đợt bán hàng của Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Tổng kinh phí hàng dự trữ cho chương trình này hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức hội chợ thương mại Tết Tân Mão tại TP. Pleiku vào trung tuần tháng 1-2011.
* Dự báo sức mua năm nay sẽ tăng mạnh, vậy công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết như thế nào và việc kiểm tra kiểm soát giá thị trường thực hiện ra sao?
- Theo thông lệ vào dịp Tết, nhu cầu mua sắm tăng rất mạnh, do đó không để thị trường bị lũng đoạn, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp lớn trên địa bàn có sức điều tiết thị trường chuẩn bị một lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Theo đó, hơn 30 doanh nghiệp đã đăng ký với tổng kinh phí trên 330 tỷ đồng. Và dự ước tổng lượng hàng hóa dịp này khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so năm trước, với khoảng 11.000 cơ sở kinh doanh tổng hợp trên toàn tỉnh. Trong đó, hàng thực phẩm công nghệ chiếm đến 70%, hàng tiêu dùng khác khoảng 30%.
Năm nay, giá một số mặt hàng nông sản tăng mạnh, nên dự báo sức mua hàng hóa cũng sẽ tăng rất cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong dịp này khoảng trên 1.700 tỷ đồng nên lượng hàng dự trữ lên đến gần 2.000 tỷ đồng, thì việc cung ứng nhu cầu cho nhân dân trên địa bàn hoàn toàn được đảm bảo, không thể xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Sở đang tăng cường phối hợp với Sở Tài chính và các ngành chức năng phổ biến các quy định của Nhà nước về kê khai, đăng ký giá, niêm yết tất cả giá hàng hóa và thực hiện bán đúng giá đã niêm yết từ các cơ sở lớn cho đến từng tiểu thương nhỏ lẻ. Đồng thời, lực lượng Quản lý Thị trường tăng cường các biện pháp chống đầu cơ, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng, xử lý các sai phạm về giá…
Thảo Nguyên (thực hiện)