Không được làm thủy điện trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai ra ngày 12-4-2016, tác giả Kỳ Duyên có bài viết “Về việc xin làm thủy điện trong khu bảo tồn: Cần thận trọng”. Sau khi đọc xong bài báo, tôi cho rằng, không phải chuyện “cần thận trọng”, mà nói thẳng là không được làm thủy điện ở đây. Theo như những gì mà bài báo dẫn, nêu các ý kiến của lãnh đạo các ngành chức năng thì, rừng ở Kon Chư Răng cho đến nay vẫn đang được giữ gìn, bảo vệ tốt, là rừng quý, có nhiều loại gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 5 (không thấy nói đến hệ động-thực vật khác).

Ảnh: Kỳ Duyên
Ảnh: Kỳ Duyên

Làm thủy điện để phục vụ cho phát triển sản xuất và dân sinh là nhu cầu cần thiết, điều ấy không ai không hiểu. Nhưng việc xây dựng thủy điện ồ ạt, không theo quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu khoa học, khách quan, không vì cái chung, đã cho chúng ta thấy cái giá phải đánh đổi quá đắt từ việc mất hết rừng, trơ ra tận đáy nhiều những dòng sông, con suối; góp phần làm biến đổi khí hậu, thời tiết, khô hạn kéo dài; lũ lụt bất ngờ và hung hãn làm thiệt hại cả về người và tài sản... Cho nên, theo chúng tôi, đừng vì cái lợi cục bộ, trước mắt mà lại quyết định một vấn đề ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sinh thái, đến cả vấn đề xã hội của địa phương. Nếu thật sự làm cái công trình thủy điện ở vùng rừng đang được bảo tồn là cần thiết, không thể không làm, thì cũng cần có những cuộc khảo sát khác, hội thảo, lấy ý kiến từ nhiều phía, các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực và ý kiến của nhân dân sở tại.

Nhưng dù những lý do gì đi nữa, thì đọc mấy câu này chúng ta chắc là không ai không xót xa khi một ngày nào đó rừng ở đây biến mất, vì thủy điện: “Từ trung tâm khu bảo tồn muốn đến được khu vực suối dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện phải đi bộ giữa rừng 2, 3 giờ qua những cánh rừng nguyên sinh với lớp cây cổ thụ nhiều người ôm. Tại vị trí dự kiến làm thủy điện, một dòng suối lớn chảy ào ạt qua hệ thống rừng dày đặc, sát mép suối nhiều hàng cây gỗ lớn, cao hàng chục mét...”-(Báo Gia Lai, đã dẫn). Ở đây còn có một con thác cao 54 mét, chảy quanh năm, là niềm tự hào của bao người, nếu nó được gìn giữ, đừng ngăn làm thủy điện mà đưa vào đầu tư, khai thác cho ngành du lịch thì hữu ích đôi đường-rừng được bảo vệ và ngân sách có thêm nguồn thu, là điều cần làm lắm thay.

Mong mọi ngành, mọi cấp và các nhà quản lý có những ý kiến xác đáng, khoa học và khách quan về vấn đề này. Tôi cho rằng cần nghiêm túc trong khi thảo luận và quyết định, tránh lặp lại những sai lầm liên quan về thủy điện mà Gia Lai là một trong những địa phương đã gánh chịu hậu quả khôn lường. Không thể chỉ nói chung chung, đề xuất cũng chung chung và bảo rằng chờ... nghiên cứu của các ngành...như một số ý kiến bài báo nói trên đã dẫn!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm