Thời sự - Bình luận

Không học đại học để đi xuất khẩu lao động - một hướng lập nghiệp mới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Hà Tĩnh, chưa hết xôn xao chuyện 3 giáo viên bỏ dạy đi xuất khẩu lao động, nay lại đến chuyện nhiều học sinh giỏi, thậm chí đỗ đại học các trường top đầu nhưng lại chọn ra nước ngoài làm việc thay vì học lên đại học.
Những ngôi nhà khang trang được xây lên nhờ con em đi xuất khẩu lao động ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Đậu Tình

Những ngôi nhà khang trang được xây lên nhờ con em đi xuất khẩu lao động ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Đậu Tình

Không phải bây giờ mà đã từ nhiều năm nay, rất nhiều học sinh ở vùng quê Hà Tĩnh như xã Cương Gián (Nghi Xuân), Mỹ Lộc, Thiên Lộc (Can Lộc), Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Thạch Bằng, Thạch Kim (Lộc Hà)... sau khi hoàn thành chương trình THPT đã quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Điều này khiến nhiều ngôi làng ở Hà Tĩnh hiện không có sinh viên đại học.

Như năm ngoái, nhiều trường THPT trên địa bàn các huyện Can Lộc, Lộc Hà… chỉ có 30% học sinh đăng ký học đại học. Số còn lại đi xuất khẩu lao động.

Việc nhiều học sinh quyết định không học tiếp đại học và chọn con đường xuất khẩu lao động cũng không phải chỉ riêng của Hà Tĩnh mà hiện khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước.

Thống kê của của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong năm 2022, cả nước có khoảng 320.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học, chiếm gần 1/3 tổng số đã đăng ký.

Học sinh, cũng như phụ huynh đồng tình với quyết định không học tiếp đại học của con em mình đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là nhận thức rằng, đại học chỉ là một trong những đích đến chứ không phải là con đường duy nhất để quyết định sự thành công của một cá nhân.

Tiếp nữa là thực tế sinh viên ra trường những năm gần đây, tỉ lệ thất nghiệp, không xin được việc làm luôn năm sau cao hơn năm trước. Và có rất nhiều người buộc phải "giấu" đi những tấm bằng của mình để xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc kiếm sống bằng lao động chân tay ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Là học phí ở các trường đại học bây giờ ngày càng cao, lại có sự phân hoá, phân biệt kiểu như "chương trình chất lượng cao". Nên để có tiền cho con học đại học, nhiều phụ huynh ở các vùng quê nghèo phải vay mượn. Trong khi, như các địa phương ở Hà Tĩnh vừa kể, nhiều lao động ở nước ngoài đang tuổi sinh viên, mỗi tháng có thể gửi về phụ giúp gia đình vài chục triệu đồng, cá biệt có trường hợp cả trăm triệu đồng.

Sinh viên ra trường không có việc làm, học sinh tốt nghiệp PTTH từ chối học đại học để xuất khẩu lao động... là một thực tế có phần cay đắng đã được báo động từ rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn là "toán khó" chưa có lời giải.

Đáng nói là "toán khó" như thế này, không chỉ là chuyện riêng của học sinh hay phụ huynh mà còn là chuyện của những người thầy. Như tháng trước, cũng ở Hà Tĩnh, 3 giáo viên, trong đó có 1 là hiệu phó trường THPT, ở tuổi 45, đã quyết định bỏ việc để sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động gây xôn xao dư luận.

Vậy nên, rất khó để nói chuyện đúng hay sai với việc các giáo viên, rồi nhiều học sinh bỏ việc, không học tiếp đại học để đi xuất khẩu lao động. Chỉ có thể nói, đó là một sự lựa chọn có tính thực tế và dũng cảm!

Có thể bạn quan tâm