Không lo "vỡ quỹ" bảo hiểm xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Bùi Sỹ Lợi-Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khẳng định Quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đều do Nhà nước bảo hộ nên người dân không phải lo lắng "vỡ quỹ".

Buổi tạo đàm về tăng tuổi nghỉ hưu diễn ra sáng nay 28/10 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Buổi tạo đàm về tăng tuổi nghỉ hưu diễn ra sáng nay 28-10 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.


Thời gian gần đây, dư luận xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động là để tránh nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này là chính đáng vì quỹ Bảo hiểm xã hội là tiền đóng góp của người lao động để đảm bảo an sinh khi về già
 
Tuy nhiên, theo phân tích của Bùi Sỹ Lợi Phó-Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, trên thực tế, chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng Quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5% lương cơ sở. Trong khi đó, mức trần đóng cho phép lên tới 6 %. Như vậy, phần “dư địa” này sẽ giúp chúng ta cân đối. Phần đóng tăng lên là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao để đảm bảo”-ông Bùi Sỹ Lợi nói.
 
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh về khả năng an toàn quỹ BHXH và BHYT: "Chúng ta nên yên tâm bởi 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tôi cũng đã nói nhiều lần: Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm".
 
Quan điểm của Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch và lựa chọn các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ an toàn nhất và phải có cơ chế bảo lãnh để tránh sự rủi ro do tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán. Điều đáng quan tâm là Hội đồng quản lý quỹ cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên hình thành một tổ chức độc lập để quản lý và nghiên cứu các hình thức đầu tư có hiệu quả.
 
Ông Trần Đình Liệu-Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định: Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%. Nguyên nhân của tình trạng tuổi nghỉ hưu thấp là do Luật BHXH năm 2006 quy định tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thấp, chỉ 1%; sang Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh nâng lên 2%. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ giảm trừ này phải từ 5-6% thì mới hạn chế số người nghỉ hưu trước tuổi.
 
Theo tính toán của BHXH, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm. Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng, thì năm 2000 giảm xuống 34 người; năm 2012 là 9,3 người; đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng. Khi số người hưởng BHXH một lần hằng năm lớn sẽ dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được. BHXH Việt Nam đề xuất, với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cần bổ sung quy định: Khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động tiếp tục làm việc thì tiếp tục được đóng BHXH.
 
Bài toán tuổi nghỉ hưu liên quan rất nhiều đến các yếu tố xã hội. Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của nhiều nước, nhưng nó sẽ tác động trực tiếp đến thị trường lao động, việc làm, sức khỏe của người dân, chính sách an sinh xã hội và cả công tác cán bộ. Vì vậy, đã đến lúc phải tính tới việc tăng tuổi nghỉ hưu và Chính phủ nên nghiên cứu đề xuất phương án để có lộ trình chống lão hóa dân số trong tương lai nhưng lộ trình đó như thế nào?, bao nhiêu năm nâng một tuổi?, tăng thế nào? để đến khi thiếu lao động thì bắt đầu sử dụng lao động cao tuổi nhưng lao động này phải là lao động có chất lượng.

Theo vnmedia.vn

Có thể bạn quan tâm