Không ngừng phát triển xứng tầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng và tình cảm thiết tha của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum: “Không được đón Bác vào thăm, thì làm nhà rước Bác vào ở”, sau 2 năm xây dựng (1982-1984), ngày 19-5-1984, tỉnh ta đã long trọng tổ chức khánh thành “Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và đón những đoàn khách đầu tiên đến tham quan; sau được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Sau 30 năm hoạt động, Bảo tàng ngày càng được củng cố và phát triển, hòa nhập cùng hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc và xứng đáng là nơi để đồng bào các dân tộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói riêng, người dân cả nước nói chung đến tham quan, học tập và là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ mai sau.
 

Là bảo tàng duy nhất trong cả nước trực thuộc UBND tỉnh, dưới sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội; hiện nay Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là một đơn vị có tổ chức bộ máy khá ổn định, một đội ngũ cán bộ, viên chức có phẩm chất chính trị khá vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và đồng. Đây là vốn quý, là sức mạnh nội lực giúp đơn vị tiếp tục phấn đấu đi lên, ngày một vững mạnh. Trong chuyên môn, Bảo tàng luôn chú trọng công tác sưu tầm, xác minh những hiện vật, tài liệu, tư liệu, tranh, ảnh có giá trị lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua đơn vị đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm trong cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; hiện đơn vị đang lưu giữ, bảo quản gần 10.000 hiện vật, tài liệu, tư liệu, tranh, ảnh về Người. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt vận động đồng bào hiến tặng tài liệu, kỷ vật, hiện vật; có thể kể đến ở đây như: tượng Bác Hồ (cao 1,84 mét, được tạc bằng gỗ hương do ông Đinh Thanh Hoàn tạc); tượng Bác Hồ bằng đồng (cao 12,5 cm, được đúc thủ công, tại làng Yớt Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ), mô phỏng Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê); Bản điêu khắc Di chúc (do ông Nguyễn Hữu Phước thực hiện trong 20 ngày tại Bảo tàng năm 1983, kích thước 1,46 mét x 1,15 mét, bằng gỗ lồng mức, dưới hình thức cưa lộng, nhũ đồng, nội dung trích trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ngày 10-5-1969)... Hiện nay Bảo tàng đang tổ chức đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật của học sinh miền Nam học trên đất Bắc theo chủ trương của Bác, những người được gặp Bác Hồ. Kết quả bước đầu đã sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật quý thể hiện được tình cảm sâu đậm đối với Người.

Từ ngày thành lập đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã liên tục mở cửa (kể cả thứ bảy và chủ nhật) để phục vụ khách tham quan. Hàng năm, bằng các loại hình hoạt động phù hợp, thông qua trưng bày tại chỗ và triển lãm lưu động và vùng sâu, vùng xa, Bảo tàng đã phục vụ và đón trên 25.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tổ chức phục vụ hàng trăm buổi lễ báo công, dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, trao thẻ, huy hiệu đoàn viên, ruớc đuốc truyền thống, lễ ký kết giao ước thi đua, phát phần thưởng cho học sinh giỏi và nhiều hình thức hoạt động phong phú khác. Công tác sưu tầm, xuất bản các ấn phẩm cũng được quan tâm triển khai thường xuyên. Hiện đã xây dựng được tủ sách thư viện với trên 400 đầu sách với hơn 1.000 cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng quang vinh, về lịch sử Đảng bộ tỉnh… Ngoài việc bổ sung nguồn sách hàng năm cho tủ sách thư viện, Bảo tàng đã biên tập hai đầu sách về tình cảm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ để tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân như: Nơi ấy Tây Nguyên có Bác Hồ (2000), Bác Hồ trong lòng dân Gia Lai (2001)…

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Bảo tàng. Ảnh: Đức Thụy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Bảo tàng. Ảnh: Đức Thụy

30 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, của địa phương, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã không ngừng phát triển về mọi mặt, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Có được những thành quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhân viên của đơn vị, chính là sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp; đồng bào và chiến sĩ 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã đóng góp bao công sức và trí tuệ để tạo dựng và phát huy hiệu quả công trình có ý nghĩa ở mảnh đất Tây Nguyên này. Đặc biệt, đầu năm 2014, lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt đầu tư cải tạo hạng mục công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, dự kiến khánh thành trong dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Bác và kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập đơn vị. Đây là một quyết định thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và nhân dân Gia Lai đối với Bác Hồ kính yêu, khẳng định quyết tâm đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Sau khi hoàn thành Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum có vị trí hài hòa trong quần thể các công trình kiến trúc văn hóa-lịch sử như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng Cổ vật, Bảo tàng tỉnh, góp phần quan trọng giáo dục thế hệ tương lai và thể hiện tấm lòng của người dân Gia Lai cũng như Tây Nguyên đối với Bác.

Trong thời gian tới Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý trưng bày, nhằm phát huy nét độc đáo, riêng có của bảo tàng danh nhân; đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động nghiên cứu tuyên truyền giáo dục, nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thời kỳ mới. Quyết tâm xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum thực sự trở thành một nơi tuyên truyền, quảng bá về cuộc đời sự nghiệp cách mạng, tư tưởng của Người và truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như ước mong của Bác Hồ kính yêu.

Huỳnh Văn Kính (Giám đốc Bảo tàng)

Có thể bạn quan tâm