Theo các tài liệu lịch sử, Chiến dịch Xuân-Hè 1972 (còn được gọi là Mùa hè đỏ lửa) diễn ra từ cuối tháng 3-1972 đến hết tháng 1-1973 ở nhiều mặt trận, từ Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu 5 và Khu 3 (Nam Bộ). Tại chiến trường Bắc Tây Nguyên, các địa danh: An Khê, Kon Tum, Đak Tô, Tân Cảnh... được nhắc đến nhiều hơn cả với những trận chiến ác liệt.
Một số phương tiện chiến tranh của địch bị ta chặn đánh trên đường 19 (ảnh tư liệu, N.Q.T sưu tầm). |
Theo chỉ đạo của Quân khu 5 và Sư đoàn 3, trong chiến dịch này, Trung đoàn 12 tổ chức một cụm chốt ở phía Đông đèo, cách căn cứ An Khê chừng 10 km, nhằm cắt đường 19, phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên và kìm chân Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên không cho chúng ra ứng cứu ở Bắc Bình Định.
Cuốn Lịch sử Sư đoàn 3 (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2015) thông tin: Bảo vệ đoạn đường quan trọng này, ngoài Sư đoàn Mãnh Hổ và hàng trăm đại đội, trung đội bảo an, dân vệ, địch còn bố trí 3 trận địa pháo 105 và 155 mm tại An Khê, An Xuân và Bình Tân, 3 phi đội máy bay chiến đấu, trinh sát, vận tải túc trực ở Sân bay Gò Quánh (Phù Cát) sẵn sàng chi viện.
Sau nhiều lần trinh sát, Trung đoàn 12 xác định phương án tác chiến chủ yếu tập trung vào 2 cụm chốt. Cụm chính gồm các điểm cao 384, 638 (núi Cây Rui) và cống Hang Dơi trên đường 19. Theo đó, Tiểu đoàn 6 và hầu hết hỏa lực của Trung đoàn đảm nhiệm cụm chốt chính; Tiểu đoàn 5 làm lực lượng dự bị cơ động.
Vào vị trí cắt đường 19, Trung đoàn dự kiến sau khi đại đội đặc công Quân khu đánh bại địch ở núi Cây Rui, Đại đội 61 thuộc Tiểu đoàn 6 sẽ tiếp quản chốt rồi cùng Đại đội 63 dưới chân núi khống chế mặt đường 19. Tuy nhiên, đặc công không diệt gọn được địch ở Cây Rui. Trung đoàn buộc phải đưa Đại đội 61 lấn lên đào công sự chốt ở mỏm đồi cao hơn (Điểm cao 638), đối diện và cách chốt địch chừng 200 m.
Rạng sáng 11-4-1972, Đại đội 62 và Đại đội 63 dùng 600 kg thuốc nổ đánh sập cống Hang Dơi. Địch lập tức điều 2 đại đội bộ binh và 5 xe bọc thép thuộc Chiến đoàn 44 đi giải tỏa. Cánh quân này đã bị cụm chốt công binh của ta chặn đánh khiến hàng trăm tên thương vong, 2 xe bọc thép và 2 trực thăng bị tiêu diệt. Cùng lúc đó, 2 đại đội công binh địch có xe bọc thép và máy bay yểm trợ liều chết xông vào sửa chữa cống Hang Dơi.
Cách mặt cống khoảng 500 m, Đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì và Chính trị viên Hoàng Sinh Tùng dẫn Đại đội 63 xuất kích, nhưng do phải đối phó với nhiều tình huống dọc đường, nên khi đến nơi địch đã sửa được cống. Chính trị viên Hoàng Sinh Tùng quyết định “nằm ngay trên mặt đường mà đánh, như vậy dù có mọc cánh, địch cũng không qua đây được”. Kể từ đây, những trận đánh ác liệt liên tiếp diễn ra. Địch kéo thêm 2 tiểu đoàn và 17 xe bọc thép đến khu vực này, nhưng vừa tới gần cống Hang Dơi, chúng đã bị Đại đội 63 bất ngờ chặn đầu, khóa đuôi, tiêu diệt gần 1 đại đội, phá hủy 4 xe bọc thép.
Xuyên qua đường 19, cống Hang Dơi bắt nguồn từ một ngọn thác nhỏ. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Qua ngày thứ tư, địch tập trung phi pháo đánh phá khu vực cống Hang Dơi và đưa quân tấn công Đại đội 63 từ 2 phía. Trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải chỉ huy trung đội nằm lại cống, bố trí đội hình thành 3 mũi. Trong những trận chiến đấu ác liệt kéo dài giữa ta và địch, Chính trị viên Hoàng Sinh Tùng cơ động hết trung đội này đến trung đội khác, vai đeo 3 khẩu súng vừa đánh địch, vừa chỉ dẫn, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu.
Thất bại liên tiếp, Sư đoàn Mãnh Hổ vội điều toàn bộ Trung đoàn 24 và 20 xe tăng, xe bọc thép vào khu tam giác Cây Rui-Điểm cao 384-cống Hang Dơi tham chiến. Nhưng cống Hang Dơi vẫn tắc và đường 19 vẫn bị cắt.
Bước sang ngày thứ bảy, 2 tiểu đoàn địch từ phía Đông và phía Bắc ào ạt tiến công Điểm cao 384, phi pháo địch bắn không ngớt xuống các trận địa hỏa lực và đường cơ động của Trung đoàn. Trận địa cao xạ ta bị địch phá hủy, các chiến sĩ sử dụng súng trường và lựu đạn đánh giặc. Trận địa 384 bị cô lập, những trận đánh bằng lưỡi lê, báng súng, dao găm, xẻng, diễn ra quyết liệt: 31 cán bộ, chiến sĩ ta trên Điểm cao 384 lần lượt hy sinh.
Điểm cao 384 bị địch chiếm, sườn phải chốt Cây Rui và cống Hang Dơi gặp khó khăn. Địch dùng pháo khống chế, rồi vòng qua phía Bắc đánh lên Điểm cao 638 và cống Hang Dơi. Song, chúng vẫn không thể chọc thủng được trận địa của ta. Đường 19 tiếp tục bị cắt.
Ngày 17-4-1972, khi sương mù còn dày đặc, 6 xe tăng mở hết tốc độ lao về phía cống Hang Dơi. Trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải bình tĩnh chỉ huy 3 chiến sĩ chia làm 2 hướng chặn đánh. Khi chiếc xe đi đầu còn cách mặt cống chừng 30 m, Trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải ôm B41 lăn nhanh ra một ụ đất. Một làn chớp xé tan màn sương sớm, chiếc xe đi đầu khựng lại, bốc cháy. Vài phút sau, chiếc thứ 2 cũng chung số phận, 4 chiếc còn lại hốt hoảng lùi ra xa. Không cho chúng thoát, xe địch chưa kịp quay lưng đánh trả đã bị 2 quả đạn của ta cùng phóng tới, 1 chiếc đứt xích, 3 chiếc còn lại bỏ bộ binh chạy thục mạng. Ở phía Bắc cống, ta đánh lui trung đội bộ binh địch, tiêu diệt hơn chục tên, bắt sống một lính Việt Nam Cộng hòa giả chết. Đêm đó, thêm một tên địch nữa bị ta bắt ở gần miệng cống.
Dấu tích bia chiến thắng bên đường 19. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ |
Tiếp sau trung đội Nhâm Xuân Tải là trận chiến của trung đội Nguyễn Đức Tấn trên cống Hang Dơi. Nhâm Xuân Tải, Hoàng Sinh Tùng, những cán bộ, đảng viên ưu tú lần lượt hy sinh. Trong khi đó, trung đội Nguyễn Đức Tấn có 6 người thì cả 6 đều trở thành dũng sĩ trên đường 19.
Chưa chiếm được cống Hang Dơi, đường 19 vẫn bị cắt, quân địch ở Bắc Tây Nguyên lâm vào cảnh khốn đốn. Ta xác định, còn Cây Rui thì cống Hang Dơi sẽ đứng vững và đường 19 tiếp tục bị cắt nên đã tăng cường binh, hỏa lực cho cụm chốt này.
Rạng sáng 23-4, địch mở cuộc tấn công ác liệt chưa từng có. Gần 100 quả bom và 300 quả pháo được trút xuống núi Cây Rui trong 4 tiếng đồng hồ. Sáng 24-4, một số hầm kiên cố của ta bên vách núi bị sạt lở, Đại đội trưởng Nguyễn Hữu Tài và 10 chiến sĩ hy sinh, trận địa chỉ còn 15 tay súng dưới sự chỉ huy của Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Nguyễn Hữu Thông và Chính trị viên Đại đội Ninh Văn Xá. Tham mưu trưởng Thông hy sinh, Đại đội phó Vũ Văn Quỳnh được cử lên thay thế. Khi Đại đội phó Vũ Văn Quỳnh ngã xuống, Chính trị viên Đại đội Ninh Văn Xá tiếp tục chỉ huy bộ phận còn lại đánh địch.
Cuộc chiến đấu kéo dài, địch bị tiêu diệt nhiều, nhưng quân ta cũng chỉ còn lại 5 người. Những chiến sĩ kiên cường ấy dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Ninh Văn Xá đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng cơ động và hỏa lực của trung đoàn, tiểu đoàn giữ vững trận địa cho đến tối.
Tiếng súng trên Điểm cao 638 ngừng nổ cũng là lúc cống Hang Dơi bị địch chiếm lại và thông đường 19. Mặc dù vậy, đúng vào thời điểm này, chính Tướng Hoàng Minh Thảo-Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên-đã có điện: “Cám ơn các chiến sĩ Trung đoàn 12 đã anh dũng cắt đường số 19, tạo thuận lợi cho Tây Nguyên diệt địch…”. Năm 1972, Sư đoàn Mãnh Hổ đã dựng “bia chiến thắng” trên điểm cao này nhưng tất cả các tài liệu lịch sử từ nhiều phía (cả Mỹ và Hàn Quốc) đã không ủng hộ họ: Thay vì chiến thắng, đó thực sự là một sự thất bại.