Phóng sự - Ký sự

Khúc tráng ca xứ đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã nhiều lần đến "xứ đá" Hà Giang, song mỗi lần trở lại trong tôi luôn ngập đầy cảm xúc và sự nể phục sức sống mãnh liệt của người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt. Nơi đây, đá giăng tứ bề, đá thành rừng thử thách bước chân con người.

Cuộc sống vất vả đủ đường nhưng người dân vẫn vươn lên, bám bản, khiến đá nở hoa.

Với sự cần cù, người dân đã khiến đá trổ xanh. Ảnh: Giang Toan

Với sự cần cù, người dân đã khiến đá trổ xanh. Ảnh: Giang Toan

Sự kỳ vĩ của sức lao động

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Cao nguyên đá Đồng Văn) đã trở thành điểm sáng trên bản đồ cả nước, khi những vẻ đẹp bí ẩn của vùng cực bắc Tổ quốc, với hoa tam giác mạch gọi mời, thôi thúc biết bao du khách tìm về. Từ thành phố Hà Giang theo Quốc lộ 4C, còn được gọi là "đường Hạnh phúc", đến dốc Bắc Sum là tới Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm bốn huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cảnh quan thơ mộng hấp dẫn du khách, nhưng nhiều cung đường đèo dốc quanh co như những sợi chỉ vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, "nắn gân", tạo cảm giác đến ngộp thở. Dốc nối dốc, đá giăng trước mặt. Thi thoảng, từ xa xuất hiện cảnh người lẫn vào đá, đá che lấp con người, giống như tấm thổ cẩm đang được thiên nhiên dệt ngay trước mắt. Những khối đá khô khốc, khắc khổ, khi chồng xếp, đứng bên nhau tạo ra bức tranh kỳ vĩ đến lạ kỳ, nên có người đứng trước rừng đá ví von: Đúng là cuộc triển lãm non bộ khổng lồ của tạo hóa!

Ở xứ đá này, có lẽ công cuộc mưu sinh, chinh phục tự nhiên, bắt đá sinh ra lương thực, hoa trái của đồng bào là kỳ vĩ nhất. Chẳng thế mà, người H’Mông có câu thành ngữ: "Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối". Sự lạc quan đó thể hiện khát khao sống, qua công việc lao động sản xuất, mưu sinh. Nhất là vào những ngày tháng hai, tháng ba từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà đều còng lưng gùi đất từ thung sâu lên đổ vào các hốc đá xám để tra từng hạt ngô - một hình ảnh cuộc sống mưu sinh không nơi nào có. Nếu chẳng may gặp mưa, nước ào ạt sẽ làm xói đất mà người dân vừa ra sức đắp bồi cho đá, chảy xuống thung lũng. Chỉ cần trời hửng lên, là người dân lại bền bỉ đào và gùi đất lên núi.

Qua quá trình lao động, đồng bào nghĩ đến kỹ thuật "thổ canh hốc đá" ở những địa bàn phù hợp. Chẳng là xưa kia, người dân với tập tục du canh, du cư, thường đốt rừng làm nương, sau vài vụ liền bỏ đi nơi khác, khiến rừng ngày càng cạn kiệt nên đồng bào đã kè nương đá, gùi đất đổ vào hốc đá, trồng cây lương thực, phương thức canh tác này gọi là "thổ canh hốc đá". Thường vào mùa xuân tiết trời ấm áp, người dân khai phá, rẫy cỏ, xếp đá thành kè ở sườn dưới của nương để giữ cho không bị sạt lở, bớt xói mòn và rửa trôi đất màu. Quá trình khai thác, xếp đá hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Thêm nữa, theo thời gian đồng bào rút ra được những kinh nghiệm xen canh. Ngoài cây ngô, bà con trồng thêm một số loại cây hoa màu khác để tăng năng suất, góp phần làm cho cuộc sống ngày một ổn định, khắc phục tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt. Thật mừng, năm 2014, tri thức "thổ canh hốc đá" được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chị Vừ Mai Hương, người dân xã Sủng Là (Đồng Văn) chia sẻ: Để có những ruộng ngô xanh tốt, người dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức… Nhiều khi, từ xa nhìn lại, người ta không biết những thân ngô mạnh mẽ đó… mọc lên từ đá. Qua ba lần vun gốc, những đêm dài hồi hộp, lo lắng những cây ngô nơi đây mới trổ hoa và ra bắp. Tháng tám về, người dân lên nương thu hoạch, mỗi căn bếp thơm lừng mùi ngô mới, niềm hạnh phúc lại thôi thúc đồng bào mạnh mẽ vươn lên.

Điều thu hút du khách đến với Hà Giang còn bởi vẻ đẹp của những bờ rào đá, đơn sơ mộc mạc như chính cuộc sống của người dân. Toàn bộ bờ rào cao bằng đầu người được xếp gọn bằng những hòn đá vẹt như bàn tay bàn chân, hoặc nhỏ hơn. Dẫu chẳng cần gắn kết bởi vôi vữa nhưng đá chồng lên đá vẫn nằm bên nhau một cách chung thủy, trả ơn cho những bàn tay khéo léo của con người.

Vùng đất gây thương nhớ

Cao nguyên đá giờ đã trở thành vùng đất gây thương nhớ bởi hoa tam giác mạch (người H’Mông còn gọi là hoa "chez"), nở rộ trong mùa đông khắc nghiệt. Chẳng ít người lấy làm lạ, khi nhiều loài cây héo úa trong mùa đông thì đó là mùa rực rỡ nhất của tam giác mạch với mầu tím hồng, rồi hoa bạc hà, hoa xuyến chi hay những cánh đồng hoa cải miên man vàng. Cây tam giác mạch được đồng bào cao nguyên đá trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực. Những năm qua, chính quyền cơ sở bốn huyện đã vận động nhân dân gieo trồng cây tam giác mạch tạo cảnh quan, loài cây này mau chóng trở thành thương hiệu và là biểu tượng của ngành du lịch nơi đây. Từ năm 2015, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn như một chương trình du lịch thường niên. Ngoài việc được hòa mình để ngắm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoa tam giác mạch, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, như: Trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh, thêu trang phục truyền thống, chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ; tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, các sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực, dược liệu địa phương.

Du lịch đã mang sinh khí mới cho Hà Giang, rất nhiều khu dịch vụ mới đã được xây dựng trên miền đá, cơ sở hạ tầng được đầu tư mở rộng. Nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, chẳng ít người trở nên giàu có, tiếp tục có sáng tạo, giúp đỡ người khác "kê cao" thương hiệu xứ đá.

Vào mùa xuân, Cao nguyên đá Đồng Văn trở mình với một sức sống mới. Từ sườn núi, đồi, các cung đường, đào phai rực rỡ trong tiết trời ấm áp, rồi hoa lê, hoa mận miên man sắc trắng tinh khôi. Họa sĩ Nguyễn Thị Dung ở tỉnh Đắk Lắk, người đã đến Hà Giang để trải nghiệm và vẽ chục bức tranh tuyệt đẹp về vùng đá chia sẻ: "Tôi đã đến tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, và Hà Giang là vùng đất đặc biệt nhất". Vậy nên, như vương mối duyên với miền đá, Dung mong ngóng có cơ hội quay trở lại mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Mới đây, họa sĩ Bùi Văn Tuất tổ chức triển lãm cá nhân với chủ đề "Nhìn lại", giới thiệu 30 bức sơn dầu thật tinh tế về cảnh sắc và con người Hà Giang, vùng đất đã để lại trong anh những ấn tượng sâu đậm. Xem tranh của anh, người ta thấy những đôi mắt trẻ em Hà Giang hiện lên nhiều thông điệp đẹp đẽ mà không kém phần đau đáu. Những đôi mắt trong trẻo khiến ta thấy lòng mình tĩnh lại để yêu và trân trọng cuộc sống, yêu hơn trẻ em vùng cao.

Còn anh Lê Văn Chương, một "phượt thủ" mê đắm những cung đường nơi rừng sâu núi thẳm, đã "phải lòng" dốc Thẩm Mã - một đoạn đường đèo ngoằn ngoèo nguy hiểm nối từ thị trấn Yên Minh lên Phố Cáo và Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" hùng vĩ ở vùng núi phía bắc nước ta. Địa hình hiểm trở mang đến cho cả hai địa danh này vẻ đẹp sững sờ của núi non trùng điệp cùng những khúc cua uốn lượn đẹp mắt, trở thành điểm dừng chân "check in" được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn. "Lần đầu đi qua dốc Thẩm Mã hay đèo Mã Pì Lèng, tôi thấy nó hẹp đến "nổi da gà". Nhưng khi đã vượt qua rồi sẽ cảm thấy cực kỳ vui sướng và sảng khoái như đã trải qua một điều gì đó vô cùng đặc biệt", anh Chương chia sẻ.

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ, mạng xã hội, công tác truyền thông cho du lịch của Hà Giang được làm rất tốt. Bà Vương Ngọc Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, chia sẻ: "Qua công tác truyền thông, hình ảnh về cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc độc đáo, cuốn hút đã giúp Hà Giang đến gần với thế giới và thế giới gần với Hà Giang hơn. Lượng khách du lịch đến Hà Giang ngày càng tăng. Điển hình, Hà Giang được bình chọn là điểm đến Du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; Cao nguyên đá Đồng Văn vinh dự đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III. Chỉ tính chín tháng năm 2023, tỉnh đã đón 2.158.400 lượt du khách, (tăng 35% so cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm)".

Cuộc sống của người dân đã ấm no hơn, tiềm năng của vùng đá núi đã được khơi mở, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Bà con vùng núi đá vẫn cần những sự tiếp sức để tiếp tục khẳng định mình, vươn lên, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng du lịch; tự chủ tài chính để có nguồn thu bền vững từ du lịch nhằm chủ động trong xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên khu vực Công viên địa chất.

Tiễn chúng tôi về xuôi vẫn là đá và những ánh mắt biết nói từ những em nhỏ đang gùi quẩy tấu rực rỡ hoa, cỏ bên đường. Như trong lời của gió, vọng lại khúc hát thiết tha: "…Nơi biên cương là đây/ Có đường đi trên mây lên tới cổng trời/ Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi/ Khắp vùng cao giờ đang thay đổi mới…".

Có thể bạn quan tâm