Khuyến học trong vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-12 vừa qua, lần đầu tiên Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương khuyến học, khuyến tài trong vùng dân tộc, tôn giáo. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia tích cực công tác khuyến học, khuyến tài; tạo điều kiện, giúp đỡ các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập.

Gia Lai có khoảng 1,4 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45% và tín đồ tôn giáo chiếm khoảng 22,5% (tín đồ tôn giáo là người dân tộc thiểu số chiếm 48,4%). Vì vậy, công tác khuyến học, khuyến tài trong đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi có Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông tri 09-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

 

Học sinh dân tộc thiểu số ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: Đức Thụy
Học sinh dân tộc thiểu số ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: Đức Thụy

Đến nay, toàn tỉnh có 2.528 chi hội khuyến học và 641 ban khuyến học với 165.422 hội viên (chiếm 12,7% dân số); trong đó, trên 30% chi hội ở thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, trên 60% hội viên là người dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, trong 5 năm (2012-2016), Hội Khuyến học các cấp đã vận động và tài trợ được 27.987 suất học bổng trị giá trên 9,7 tỷ đồng, trong đó, khoảng 65% cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, động viên các em học sinh dân tộc thiểu số và tôn giáo nỗ lực trong học tập.

Có được thành quả trên là nhờ các địa phương ngay từ khi mới thành lập chi hội khuyến học đã chú trọng phát triển khuyến học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo. Điển hình như thị xã An Khê đã tổ chức được 4 chi hội khuyến học ở 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tú An và Song An; huyện Đak Pơ đã xây dựng trên 28,5% chi hội khuyến học tại thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo với 659 hội viên người dân tộc thiểu số và 1.230 hội viên là tín đồ tôn giáo; huyện Kbang đã có nhiều mô hình và tấm gương điển hình về khuyến học, như: gia đình ông A Văn Lai, ông Đinh Văn Đồi, ông Nguyễn Xuân Dũng ở xã Sơ Pai; TP. Pleiku đã tổ chức nhiều trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có đạo học nghề, nâng cao trình độ hiểu biết để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, như: Trung tâm Học tập Cộng đồng xã An Phú, xã Chư Á. Cùng với các cá nhân, tập thể, các tôn giáo cũng tham gia tích cực các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Nổi bật là việc tổ chức các lớp nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, vận động bà con giáo dân tham gia các hoạt động giúp đỡ nhà trường về cơ sở vật chất và tài chính. Sự đóng góp này đã giúp sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có đạo ở tỉnh ta ngày càng phát triển.

Với mục tiêu đưa công tác khuyến học đi vào nền nếp, hiệu quả bền vững, thời gian qua, các chi hội khuyến học thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có đạo đã coi trọng việc xây dựng “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”, “đơn vị hiếu học”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì và phát triển chi hội khuyến học. Phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương, các chi hội đã bám sát tình hình của từng địa phương, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”, “cộng đồng học tập” sát với thực tế tại địa bàn, có những hình thức, phương pháp, bước đi phù hợp để khơi dậy lòng hiếu học; động viên, thu hút các lực lượng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài một cách kịp thời.

Từ các hoạt động này đã xuất hiện hàng ngàn “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”, “cộng đồng học tập” tiêu biểu, như: Thành phố Pleiku có 40% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được công nhận “gia đình hiếu học”, trên 40% dòng họ đạt danh hiệu “dòng họ hiếu học” và thôn, làng đạt danh hiệu “cộng đồng học tập”; huyện Kbang có 562 “gia đình hiếu học”; huyện Ia Pa có dòng họ Ksor ở xã Ia Trok và xã Ia Tul, dòng họ Siu ở xã Ia Ma Rơn... là những dòng họ hiếu học tiêu biểu. Điều đáng nói là các mô hình này đã giúp cho tỉnh phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác khuyến học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng xã hội học tập, giúp nâng cao trình độ các mặt cho các cộng đồng dân cư trong toàn tỉnh. Mặt khác,việc xây dựng các mô hình khuyến học, gương điển hình về học tập luôn gắn kết ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, hạn chế việc học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ vậy, đến nay, Gia Lai có trên 4.200 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (chiếm 12,8% số cán bộ, công chức, viên chức). Riêng nhiệm kỳ 2015-2020, trong tổng số 55 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 10,9%. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh có 80 đại biểu, trong đó có 22 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm 27,5%; đối với cấp huyện, trong số 606 đại biểu HĐND có 211 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm 34,8%; ở cấp xã, trong số 5.985 đại biểu HĐND có 2.041 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm 40%.

Có thể nói, thông qua những cách làm sáng tạo, công tác khuyến học, khuyến tài trong đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo ở tỉnh ta thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Cũng từ hiệu quả của công tác này mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã thật sự quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, ra sức ủng hộ tiền bạc, của cải, đầu tư trang-thiết bị cho các cơ sở giáo dục. Công tác khuyến học, khuyến tài đã thực sự đi vào cuộc sống và trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Trung Anh

Có thể bạn quan tâm