Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kì 1: Cây chết, đất bị lấn chiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2000 đến nay, UBND tỉnh đã cho 9 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện các dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án hoạt động hiệu quả thì cũng có nhiều dự án kém hiệu quả, để người dân xâm chiếm đất, gây mất an ninh trật tự.

Bỏ bê rừng trồng

Năm 2006, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lê Khanh (Công ty Lê Khanh) được tạm giao hơn 2.093 ha đất tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh) để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi và trồng cây nông sản. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, công ty này nhiều lần bị thu hồi đất với tổng diện tích hơn 1.680 ha. Diện tích đất còn lại khoảng hơn 412 ha thì một phần được Công ty trồng keo lai và xoan ta. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của P.V,  diện tích rừng trồng của công ty này bị cháy, chết hàng loạt.

 

Đất dự án của Công ty Lê Khanh triển khai tại xã Ia Le bị dân lấn chiếm để trồng mì. Ảnh: Q.T
Đất dự án của Công ty Lê Khanh triển khai tại xã Ia Le bị dân lấn chiếm để trồng mì. Ảnh: Q.T

Có mặt tại vị trí trồng rừng của Công ty Lê Khanh ở thôn 6, xã Ia Le, P.V chứng kiến nhiều vạt rừng trồng, chủ yếu là keo lai, đã chết khô, cỏ mọc um tùm. Số cây còn sống thì còi cọc, cành nhánh khô cháy. Giữa rừng keo lai là khu nhà tạm, vốn là trụ sở của Công ty, được một bảo vệ ở trông coi nhưng khi P.V tiếp cận, trong nhà không có ai, cửa đóng then cài.   

Theo kết quả kiểm tra năm 2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong phạm vi 412 ha, Công ty có trồng 217 ha gồm keo lai và xoan ta. Tuy nhiên, do đầu tư, chăm sóc không tốt nên cây sinh trưởng kém, mật độ thưa do cháy, chết. Khoảng 145 ha khác, Công ty cũng đã đầu tư khai hoang và trồng xoan ta, keo lai nhưng do quản lý không tốt nên để dân chặt phá, lấn chiếm đất để trồng mì, bắp, đậu. Còn lại 50 ha thuộc dạng núi đá, có cây rừng tự nhiên tái sinh nghèo kiệt, khe suối, đất không trồng rừng được. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục kiểm tra thì hầu hết diện tích cây trồng của Công ty đã bị cháy, chết; phần lớn diện tích đất bị các hộ dân lấn chiếm sử dụng.

Cạnh dự án của Công ty Lê Khanh là dự án của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh). Năm 2010, công ty này được giao hơn 697 ha để trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Trong đó, diện tích trồng và làm thủ tục hoàn công gần 450 ha rừng (trồng keo lai và bạch đàn). Theo kết quả kiểm tra mới đây của đoàn liên ngành do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, trong gần 450 ha rừng đã trồng trước đây của Công ty có hơn 422 ha bị cháy, chết, chỉ còn lại khoảng 27 ha bạch đàn trồng năm 2012 và khoảng 20 ha trồng hồ tiêu năm 2016.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài 2 dự án nói trên, kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành còn cho thấy, tại dự án kinh doanh rừng trồng sản xuất của Công ty cổ phần Việt Á triển khai tại xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) có khoảng 70 ha bị chết, cháy. Dự án đầu tư trồng rừng, chăn nuôi đa dạng hóa sản xuất nông-lâm nghiệp của Công ty TNHH Thịnh Hưng Nguyên triển khai tại xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) có 20 ha keo trồng năm 2008 và năm 2013 đã bị cháy, chết…

Thất thoát đất nhà nước cho thuê

Thời gian qua, một số doanh nghiệp thuê đất trồng rừng còn để  người dân xâm chiếm đất trong vùng dự án. Tại thôn 6, xã Ia Le, nơi Công ty Lê Khanh triển khai dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi và trồng cây nông sản, ngoài một số cụm, khoảnh keo lai trồng bị chết chưa bị xâm chiếm thì đi sâu vào trong, đất dự án đã bị người dân lấn chiếm.

Theo ghi nhận của P.V,  hầu hết diện tích đất màu mỡ của dự án đã bị người dân lấn chiếm để trồng mì, chuối... Chỉ có một số diện tích đất pha sỏi đá không trồng được cây nông nghiệp bị người dân “chê”, để cây bụi mọc. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, hầu hết trong số 412 ha đất dự án của Công ty Lê Khanh đã bị người dân lấn chiếm.

Tương tự, tại dự án của Công ty TNHH Thương mại Đệ Nhất Việt Hàn (triển khai tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cũng có 88,5 ha đất tại tiểu khu 1137 bị người dân lấn chiếm. Ông Lê Quang Vang-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, cho biết, phần đất dự án bị xâm chiếm nằm ở địa bàn thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ. Đất do người dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh) vào xâm canh để trồng rau màu, một số ít trồng điều và hồ tiêu.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tình trạng mất đất dự án còn xảy ra ở nhiều dự án thuê đất trồng rừng. Cụ thể như dự án thuê đất trồng rừng sản xuất của Công ty TNHH Nam Cường (triển khai tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) có 70 ha trong quá trình thực hiện có một số diện tích cây bị chết, cháy chưa kịp trồng lại đã bị một số hộ dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi của Công ty Trường Thịnh (triển khai tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh) có diện tích 697 ha thì trong số 247 ha chưa hoàn công “phần lớn đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng…”. Dự án đầu tư trồng rừng sản xuất của Công ty Trồng rừng Gia Nhơn (nay là Công ty TNHH Bình Dương Gia) triển khai tại xã An Thành (huyện Đak Pơ) có 2,3 ha bị lấn chiếm.

Nói về trách nhiệm trong việc để mất đất dự án, ông Nguyễn Hồng Lâm-Trưởng phòng Sử dụng, phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), nhấn mạnh, đất khi giao cho doanh nghiệp thuê mà để mất thì người chịu trách nhiệm chính là doanh nghiệp thực hiện dự án.

Tấn Phúc Thường

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm