Kiềm chế tai nạn giao thông: Giải pháp nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất chấp nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng, mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông một cách bền vững ở Gia Lai hiện vẫn chưa thể đạt được. Phải chăng chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết tình trạng này hay có giải pháp đúng nhưng triển khai còn chưa hiệu quả?

Hết giảm lại tăng

Những năm gần đây, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đặc biệt là mục tiêu kiềm chế tai nạn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành chức năng hết sức coi trọng, xem như một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Đi kèm với nhận thức ấy, tỉnh triển khai nhiều giải pháp cả về chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước, tuyên truyền, tuần tra kiểm soát… Thế nhưng đến nay, tình hình TTATGT trên địa bàn vẫn liên tục diễn biến phức tạp, biểu hiện ở số người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông Đường bộ bị phát hiện và xử lý ngày càng cao. Cùng với đó, tai nạn giao thông (TNGT) qua nhiều năm vẫn chưa được kiềm chế một cách bền vững, hết giảm lại tăng, hết tăng lại giảm.
 

Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát sẽ góp phần làm giảm TNGT. Ảnh: T.D
Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát sẽ góp phần làm giảm TNGT. Ảnh: T.D

Sự tăng-giảm thất thường về TNGT ở Gia Lai thể hiện rất rõ trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến nay. Theo đó, sau khi để TNGT xảy ra với mức độ kinh hoàng (341 vụ, làm chết 346 người, bị thương 275 người) trong năm 2007, tỉnh ta đã liên tiếp kéo giảm được TNGT trong các năm 2008 (230 vụ, chết 232 người, bị thương 229 người) và 2009 (219 vụ, chết 237 người, bị thương 222 người). Tuy nhiên, bước sang năm 2010, TNGT đã không tiếp tục giảm mà còn gia tăng trở lại với 220 vụ, làm chết 242 người và bị thương 185 người. Điều này tiếp tục lặp lại với mức độ cao hơn ở năm 2011 khi toàn tỉnh xảy ra 261 vụ TNGT, làm chết 292 người và bị thương 165 người. Qua đó, Gia Lai là một trong 7 tỉnh-thành trên cả nước 2 năm liên tiếp tăng cả số vụ và số người chết do TNGT.

Bước sang Năm An toàn giao thông (2012), với những động thái quyết liệt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cộng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, TNGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế hiệu quả. Theo đó, TNGT toàn tỉnh đã giảm xuống còn 206 vụ, làm chết 230 người, bị thương 164 người. So với năm 2011, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể, giảm 19,53% số vụ, giảm 20,14% số người chết và giảm 2,38% số người bị thương. Kết quả này đưa Gia Lai trở thành một trong 28 địa phương giảm số vụ và số người chết do TNGT nhiều nhất cả nước trong năm 2012.

Kết quả trên những tưởng sẽ là tiền đề thuận lợi để Gia Lai tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm 5%-10% số vụ và số người chết trong năm 2013 theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, một lần nữa, sự thiếu bền vững trong việc kiềm chế TNGT lại bộc lộ. Bằng chứng là chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 223 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm chết 119 người, bị thương 247 người. So với cùng kỳ năm 2012, TNGT và va chạm giao thông tăng cả 3 tiêu chí: tăng 42 vụ, tăng 9 người chết và tăng 50 người bị thương.

Giải pháp nào để kiềm chế TNGT?

Để trả lời được câu hỏi này có lẽ không cách nào tốt hơn là nhìn lại chính công tác đảm bảo TTATGT ở tỉnh ta thời gian qua. Ở góc độ này, có thể thấy, ngoại trừ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được triển khai khá tốt thì những mặt công tác khác như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm… vẫn đang còn rất nhiều hạn chế, yếu kém.

Được đánh giá là công tác quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến nhận thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông lâu nay vẫn luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo phải tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm. Thế nhưng trong thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền vẫn còn mang nặng tính hình thức, thời vụ và chưa sát với đối tượng. Đơn cử như việc hầu hết số người vi phạm giao thông bị phát hiện và xử lý rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên nhưng hiện nay, theo phản ánh của nhiều địa phương thì việc tập hợp đối tượng này để tuyên truyền là… cực khó. Hay như việc tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số-chiếm khoảng phân nửa dân số của tỉnh-thì cán bộ tuyên truyền vẫn còn chưa có hình thức diễn giải phù hợp với trình độ nhận thức của người dân… Vì vậy, dù trong báo cáo hàng năm của các cấp, các ban ngành, đoàn thể, số liệu các buổi tuyên truyền và số người tham dự khá cao nhưng không khó để nhận ra chất lượng tuyên truyền vẫn còn hạn chế. Bằng chứng là tỷ lệ thanh-thiếu niên, người dân tộc thiểu số vi phạm Luật Giao thông Đường bộ và liên quan đến các vụ TNGT vẫn còn rất cao.
 

Một nguyên nhân quan trọng khác làm cho tình hình TTATGT diễn biến phức tạp và TNGT chưa được kiềm chế bền vững là sự lỏng lẻo trong công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng. Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội thị, đường tỉnh hầu như vắng bóng các lực lượng chức năng. Hệ quả là số vụ TNGT trên các tuyến đường này ngày càng có dấu hiệu gia tăng (chiếm trên 60% số vụ TNGT toàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2013). Bên cạnh đó, tình trạng xe dù, bến cóc, xe quá khổ, quá tải trên nhiều tuyến đường, nhiều địa bàn vẫn còn diễn ra; tình trạng một số thanh-thiếu niên lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô, vượt đèn đỏ… nhiều năm vẫn tái diễn; tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia còn khá phổ biến nhưng đang bị buông lỏng trong xử lý.

Từ những phân tích đó, có thể thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm giảm sự phức tạp về TTATGT, kiềm chế được TNGT trên địa bàn bằng chính những giải pháp vẫn được coi là cũ nói trên. Vấn đề là chúng ta cần phải thực sự có quyết tâm đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt công tác: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra kiểm soát và cả quản lý nhà nước về giao thông vận tải…

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm