Xã hội

Gia đình

Kiềm chế tai nạn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa qua, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) 5 tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước tổ chức hội nghị bàn giải pháp tăng cường bảo đảm ATGT cho thanh-thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông.
Tai nạn xe máy chiếm tỷ lệ rất cao
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đã xảy ra 818 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 612 người, bị thương 604 người (giảm 12,5% số vụ, giảm 3,9% số người chết, giảm 17,8% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019). Tai nạn giao thông tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước chiếm 7,9% về số vụ và số người bị thương, chiếm 12,55% số người chết so với cả nước.
Riêng tháng 5 và tháng 7-2020, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến mô tô, xe máy do thanh-thiếu niên hoặc người dân tộc thiểu số điều khiển làm chết và bị thương nhiều người.
Điển hình như 2 vụ TNGT tại xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) xảy ra vào đêm 3-5 làm 6 người chết, 1 người bị thương; vụ TNGT xảy ra tại Lâm Đồng ngày 10-5 làm 2 người chết, 2 người bị thương; loạt 4 vụ TNGT mô tô, xe máy ngày 29-5 tại Đak Lak làm chết 3 người, bị thương 1 người. Gần đây nhất là 2 vụ TNGT nghiêm trọng giữa 4 xe máy trên địa bàn tỉnh Bình Phước vào chiều 18-7 làm 4 người tử vong.
Tuyên truyền trực quan về hậu quả của tai nạn giao thông tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Hòa
Tại Gia Lai và Kon Tum, tỷ lệ TNGT mô tô, xe máy chiếm 94,64% số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn. Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 212 vụ TNGT liên quan mô tô, xe gắn máy; làm chết 138 người, bị thương 186 người. Trong đó, có 104 vụ TNGT mô tô, xe máy liên quan người dân tộc thiểu số (làm chết 78 người, bị thương 82 người); TNGT mô tô, xe máy mà người trực tiếp gây TNGT là thanh-thiếu niên có 109 vụ, làm chết 78 người, bị thương 105 người (trong đó có 31 vụ TNGT có người trực tiếp gây TNGT dưới 18 tuổi).
Đại tá Lê Văn Hà-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai-cho biết: “Những năm gần đây, Gia Lai luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành có số vụ TNGT cao. Tai nạn giao thông tại vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng gia tăng”.
Minh chứng cho điều này, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đưa ra số liệu: Năm 2018, TNGT vùng nông thôn chiếm 41,16%, năm 2019 tăng lên 44,41% và 9 tháng năm 2020 tăng lên 47,31%. Bên cạnh đó, TNGT liên quan đến đối tượng nằm trong độ tuổi thanh-thiếu niên luôn chiếm tỷ lệ rất cao: năm 2018 chiếm 55,93%, năm 2019 chiếm 53,15%, năm 2020 chiếm 64,44%.
Đề xuất giải pháp kiềm chế TNGT
Ông Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Việc tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho thanh-thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số đi mô tô, xe gắn máy khu vực Tây Nguyên là hoạt động thiết thực. Qua hội nghị này, sẽ giúp các địa phương có thêm kinh nghiệm quý báu để áp dụng trong thực tiễn”.

Tại hội nghị, qua phân tích, đánh giá, Ban ATGT quốc gia khoanh vùng 4 nhóm nguyên nhân khiến TNGT mô tô, xe máy ở các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước còn chiếm tỷ lệ cao: do người điều khiển phương tiện; điều kiện kết cấu hạ tầng, yếu tố kỹ thuật phương tiện và môi trường tham gia giao thông; công tác tuyên truyền ATGT chưa đạt kết quả cao; trách nhiệm quản lý nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Đề cập sâu hơn dựa trên đặc điểm văn hóa, lối suy nghĩ của người Tây Nguyên hiện nay, ông Khuất Việt Hùng cho rằng: Mức sống người dân đã ngày một tốt hơn, việc mua sắm xe máy đi lại phổ biến ở hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, một số gia đình nuông chiều và để con cái điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện. Trong khi đó, các cháu tuổi còn trẻ, bốc đồng và thích thể hiện mình. Đó là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm, đau lòng.

“Nếu tình trạng này không được kiểm soát, tiếp tục kéo dài trong nhiều năm, tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý bởi chúng ta không tìm ra giải pháp căn cơ, phù hợp để tháo gỡ, xử lý”-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định.

Ông Rơ Mah Y Thành-người uy tín của làng Thung Dôr (xã An Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Các cơ quan, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để các cháu thanh niên và cha mẹ chúng ý thức được sự nguy hiểm và không chiều bọn trẻ thái quá nữa”. Tương tự, ông Siu Chel-già làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đề đạt: “Tôi đề nghị Công an TP. Pleiku tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát về tận thôn, làng, kể cả ban đêm. Ai vi phạm cũng đều xử lý nghiêm, không khoan nhượng”.
Đại diện Ban ATGT các tỉnh cũng đề cập nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATGT cho thanh-thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại diện Công an tỉnh Gia Lai, cần tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trong thanh-thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số trên các tuyến, địa bàn, nhất là vào ban đêm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cá biệt các đối tượng càn quấy, thường xuyên vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Trong khi đó, đại diện Ban ATGT tỉnh Đak Lak thì cần xây dựng, triển khai các kế hoạch chuyên đề xử lý người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn liên quan đến nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đặc biệt là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, đại diện Ban ATGT tỉnh Bình Phước đã nêu lên một số bất cập trong công tác tuyên truyền: “Có tình trạng chỉ toàn tuyên truyền cho người tốt, tức là các cá nhân gương mẫu trong cộng đồng. Các đối tượng càn quấy, thường xuyên không chấp hành quy định của pháp luật lại ít được tập trung tuyên truyền giáo dục; trong khi chính nhóm đối tượng này mới là nhóm đối tượng cần được tuyên truyền, giáo dục, định hướng hành vi”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: “Lực lượng chức năng phải đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến ATGT phải có nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Việc xử lý vi phạm phải kiên quyết, triệt để và không có “vùng cấm” hay trường hợp ngoại lệ”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm