Kiểm định xe cơ giới góp phần hạn chế ô tô quá khổ, quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thực trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành làm hư hỏng đường sá, mất an toàn giao thông đường bộ, các địa phương trong cả nước đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe lưu động nhằm góp phần kiểm soát lượng xe vi phạm trên tất cả các tuyến đường nội-ngoại thành. Cùng với công tác cân tải trọng, việc khám đăng kiểm và cấp giấy phép lưu hành cho  các phương tiện xe cơ giới cũng nhằm mục đích góp phần hạn chế tình trạng xe tự  ý thay đổi thiết kế lưu thông trên các tuyến đường.

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Ông Nguyễn Hồng Quang-Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới tỉnh Gia Lai 81-03D, cho biết: Nhận thức rõ nhiệm vụ và vai trò của mình, Trung tâm kiên quyết không để lọt bất kỳ trường hợp vi phạm nào gây ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng. Trong 10 tháng của năm 2014, cả 3 cơ sở thuộc Trung tâm đã tiếp nhận 33.529 phương tiện đến khám và xin cấp giấy phép lưu hành. Riêng tháng 10-2014, có 3.980 phương tiện xe ô tô các loại đến kiểm định. Do chưa vào mùa vụ thu hoạch nông sản nên phương tiện đến khám chủ yếu là xe tải cỡ nhỏ, xe khách các loại và xe du lịch. Các phương tiện sai phạm về thiết kế chủ yếu là xe tải ben và xe khách 29 chỗ ngồi.

Trước khi Thông tư 32/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải có hiệu lực (1-10-2012), đơn vị chức năng chỉ kiểm soát tải trọng phương tiện mà không kiểm tra kích thước thùng hàng. Điều này đã tạo nên lỗ hổng trong kiểm soát dẫn đến sự ra đời dòng xe HoWo. Đây là dòng xe nhập có thiết kế không phù hợp với thiết kế của cầu đường bộ Việt Nam.

Một vấn đề bất cập khác khiến hầu hết các doanh nghiệp băn khoăn là phương tiện đầu kéo và sơ mi rơ-moóc đúng thiết kế được phép tham gia lưu thông nhưng khi đưa lên cân thì xảy ra hiện tượng quá tải trọng trục. Nguyên nhân được ngành chức năng nhận định là vì khoảng cách của tâm chốt với khoảng cách trục không hợp lý. Vì vậy, chỉ cần giảm khoảng cách giữa các trục sẽ giải quyết được sai phạm trên.

Đối với xe ô tô khách, ngoài những quy chuẩn khám bắt buộc cần chú trọng đến kiểm tra tự trọng phương tiện, hệ thống thùng hàng có được gia cố hay không. Đặc biệt, xe khách giường nằm cần kiểm tra đai an toàn, hệ thống số lượng giường trên xe và buộc lắp đặt giám sát hành trình trên phương tiện. Các loại xe khách 29 chỗ ngồi đều mắc lỗi vi phạm cơi nới khoang đựng hàng ở băng ghế sau nhằm tăng thu cước vận tải hành lý. Hướng giải quyết đối với trường hợp vi phạm này là yêu cầu cắt bỏ phần cơi nới, gia cố khoang chứa hàng hóa, trước khi vào khám đăng kiểm.

Theo ông Quang, để siết chặt công tác kiểm định xe cơ giới trước khi cấp giấy phép lưu hành đường bộ, ngoài việc đầu tư trang-thiết bị máy móc hiện đại cần chú ý đến việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên. Các doanh nghiệp vận tải cần thực hiện tốt Thông tư 42/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc tải tự đổ (có khối lượng từ 10.000 kg trở lên) tham gia giao thông đường bộ vừa có hiệu lực thi hành ngày 1-11-2014. Thông tư này thay thế Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT.

Theo đó, thùng xe không được có các kết cấu để lắp được các chi tiết, cụm chi tiết dẫn tới việc làm tăng thể tích chứa hàng. Đối với thùng hở của loại sơ mi rơ-moóc tải được thiết kế để chở hàng hóa và chở được container thì phải bố trí các khóa hãm container. Trường hợp vi phạm quy định về tải trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây thật sự là mắt xích quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và sự xuống cấp của hệ thống cầu đường.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm